Kết quả nêu trên được công bố lúc 9h30 sáng nay (2/11) sau một giờ diễn ra đấu giá. Với mức chốt cao nhất trong 13 tài sản có kết quả đấu giá cùng phiên, biển số 37K-222.22 đã được một khách hàng vượt qua các đối thủ, trả giá 1,395 tỷ đồng.
Trước đó, sáng 21/9, biển số này được chốt đấu giá 810 triệu đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn nộp tiền, khách hàng không làm tròn nghĩa vụ tài chính và bỏ cọc, nên tài sản được mang trở lại sàn.
Ngoài kết quả trên, 12 biển số còn lại lên sàn lúc 8h30-9h30 hôm nay đều được chốt giá dưới 100 triệu. Cụ thể, mức chốt cao nhất chỉ với 85 triệu thuộc về biển 51K-768.99 (TP.HCM). 5 biển số khác chốt đồng giá 40 triệu đồng.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Thành Chung (Hà Nội, người từng tham gia đấu giá biển số đẹp) nhìn nhận, nhiều khách hàng có tâm lý muốn tránh các biển số xấu chứa các dải số 49, 53, 47 nên sẵn sàng bỏ ra 40 triệu đồng để mua được biển ưng ý.
Tuy nhiên, những tài sản thuộc top biển số đẹp như ngũ quý, tứ quý hay tam hoa vẫn giữ nguyên giá trị khi lên sàn. Theo anh Chung, đó cũng là lý do mà một số tài sản sau khi bị bỏ cọc, đã chốt đấu giá cao hơn mức ban đầu.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, căn cứ quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 39/2023 thì khách hàng bỏ cọc sẽ bị hủy kết quả đấu giá đối với biển số, đưa ra đấu giá lại.
Ngoài việc bị hủy các kết quả, những người trúng đấu giá biển số cũng không được hoàn lại tiền đặt trước (40 triệu đồng/trường hợp), mà khoản này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận