Từ đầu năm đến nay, có hai điểm sáng có thể coi là cứu cánh của nền kinh tế lúc này, đó là đầu tư công và dịch vụ.
TS Nguyễn Đình Cung.
Nhiều động lực tăng trưởng suy giảm mạnh
Theo ông, các mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm nay sẽ gặp phải những thách thức gì?
Thực ra những thách thức với kinh tế nước ta đã lộ diện từ quý IV/2022. Với góc nhìn của tôi, tính từ 1990, chưa bao giờ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Hết tháng 6, tăng trưởng đạt 3,72%, riêng quý II chỉ 3,32% - mức 6 tháng đầu năm thấp nhất từ năm 2020 đến nay. Kể cả thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng như năm 2009 thì tốc độ tăng GDP 6 tháng vẫn đạt 3,9%.
Tình hình bên ngoài chưa rõ xu hướng và triển vọng. Mặt khác, thách thức lớn hơn nằm ở nội tại nền kinh tế.
Có không ít những tồn tại về môi trường kinh doanh chưa được khắc phục. Chính sách và cách thức điều hành đôi lúc cũng chưa thật sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành.
Do vậy, nếu không nhìn thẳng để khắc phục, cải thiện, tìm lối ra thì các mục tiêu khó hoàn thành, không chỉ với kế hoạch năm 2023 mà còn cả chiến lược trong 5 năm, 10 năm tới.
Ông có thể nói cụ thể hơn, khó khăn của nền kinh tế hiện nay có gì khác so với thời điểm 2009?
Động lực quan trọng nhất của chúng ta là sản xuất công nghiệp, nhưng 6 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng âm, điều chưa từng xảy ra.
Động lực thứ hai là xuất khẩu, thời gian qua đã giảm sâu (7 tháng giảm 10,6% so với cùng kỳ 2022) và kéo dài, chưa thấy khả năng phục hồi nhanh sắp tới.
Hai động lực này cũng thể hiện một phần bức tranh, vì phần lớn sản xuất công nghiệp là của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và để phục vụ xuất khẩu.
Động lực thứ 3 là đầu tư tư nhân và nước ngoài, bình quân 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 1/3 so với trước dịch Covid-19.
Chỉ duy nhất một hạng mục đầu tư tăng là đầu tư công. Nhưng nếu chỉ có đầu tư công thì cũng khó để kéo bật cả nền kinh tế.
Một động lực khác là vốn tín dụng, 6 tháng đầu năm mới tăng được 4,73% - bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tín dụng rất thấp, nghĩa là doanh nghiệp không đầu tư, không sản xuất hay kinh doanh.
7 tháng qua, cả nước có gần 132.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, song số rút lui cũng lên tới 113.000, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài nguyên nhân tác động mạnh từ kinh tế thế giới do chúng ta đã hội nhập sâu rộng, sâu xa hơn vẫn là điểm yếu ở nội tại nền kinh tế như tôi đã đề cập ở trên.
Có tiền, có niềm tin mới tăng chi tiêu
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thị sát công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi ngày 29/7.
Ông vừa nhắc đến môi trường kinh doanh, cách thức điều hành còn một số bất cập. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?
Việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy vẫn còn rào cản ở cấp bộ, ngành, địa phương, khiến họ thêm khó khăn, tăng thêm chi phí.
Thậm chí, có những vấn đề xảy ra do kinh nghiệm điều hành quản lý. Điển hình là sự đứt gãy thị trường xăng dầu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Gần nhất, cung ứng điện đứt đoạn giữa mùa nắng nóng khiến doanh nghiệp, người dân khổ sở. Thị trường bất động sản, trái phiếu… cũng hết sốt nóng lại qua sốt lạnh, nhiều nhà đầu tư mất tiền, mất cả niềm tin.
Đáng chú ý hơn, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, các hiệp hội không được xử lý đến cùng khiến họ mất niềm tin, động lực. Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, song các cơ quan thực thi vẫn chậm.
Điều này xuất phát từ tâm lý trì trệ, không làm hoặc không dám làm, không có sáng kiến, đổi mới, đồng hành với doanh nghiệp khiến họ chơi vơi.
Hệ thống doanh nghiệp cũng vì thế mà trì hoãn mở rộng quy mô, ngành nghề kinh doanh bởi muốn làm không làm được, càng làm càng lỗ.
Đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ đã có cả một chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có sự tham gia của cả chính sách tài khóa, tiền tệ. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực thi các chính sách này?
Đến nay chúng ta mới chỉ giảm nhỏ giọt 2% thuế giá trị gia tăng. Các chương trình phục hồi gần như chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân quá thấp.
Hay như việc hoàn thuế, doanh nghiệp kêu lên kêu xuống, Chính phủ đã chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giải trình nhưng bộ, ngành liên quan vẫn không quyết liệt xử lý.
Trong khi hoàn thuế thể hiện sự chia sẻ, đồng hành. Khi có tiền, có niềm tin, người ta mới có động lực để chi tiêu, góp phần thúc đẩy tổng cầu tăng lên.
Chính sách tiền tệ lúc thì thắt chặt quá mức như năm ngoái, hiện nay thì nới lỏng. Nhưng vì không đúng thời điểm nên dù đã tìm mọi cách thì nền kinh tế cũng không hấp thụ vốn được.
Đầu tư công là cứu cánh
Ông vừa phân tích những vấn đề nội tại, vậy còn những điểm sáng nào cần ghi nhận thời gian qua?
Có hai điểm sáng có thể coi là cứu cánh của nền kinh tế lúc này, đó là đầu tư công và dịch vụ.
Chỉ riêng trong tháng 7, chúng ta đã thực hiện đạt 58.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, lũy kế 7 tháng đạt 291.000 tỷ đồng.
Trong đó, tôi đánh giá rất cao kết quả thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Về môi trường kinh doanh, muốn cải thiện phải hóa giải được tình trạng cán bộ không muốn làm, không dám làm. Cần trả lời được các câu hỏi như: Những thứ gì chưa có quy định phải giải quyết như thế nào? Quy định có rồi mà chồng chéo nhau thì giải quyết ra sao? Có quy định vẫn có cách hiểu khác nhau thì nên thế nào? Và đương nhiên, quy định nào bất hợp lý phải mạnh dạn sửa đổi ngay.
TS Nguyễn Đình Cung
Các đại công trường của ngành giao thông đã và đang tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, duy trì việc làm, thúc đẩy lĩnh vực xây dựng.
Đặc biệt, khi các dự án hạ tầng hoàn thành sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, phân phối như vận tải, logistics, tăng nhu cầu tiêu dùng, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Đối với dịch vụ, 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%, khách quốc tế cũng gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dịch vụ có tăng nhưng vẫn trong xu hướng giảm. Tương tự, khách quốc tế hiện mới chỉ bằng 67 - 68% so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19…
Do vậy, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi một cách chắc chắn. Bên ngoài, năm nay dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng trên 3%, nhưng những đối tác chính của ta đều tăng trưởng thấp so với trước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc…
Vậy theo ông, chúng ta cần hành động như thế nào?
Cần có một chương trình kích cầu mạnh mẽ hơn bằng cách nghiên cứu giảm thuế cho doanh nghiệp ít nhất đến năm 2025.
Đừng chỉ giảm nhỏ giọt, vài tháng như với thuế giá trị gia tăng như hiện nay. Đừng sợ mất tiền, đây là lúc cần thúc đẩy người dân chi tiêu.
Thứ hai là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công bằng cách tháo gỡ các rào cản về thủ tục. Vướng thể chế phải sửa luôn chứ không phải gỡ từng dự án một. Với thị trường bất động sản cũng thế.
Chính sách tài khóa phải lưu ý chi đầu tư mạnh mẽ cả về khối lượng và tốc độ; các loại thuế, phí giảm được gì phải giảm ngay, không đặt nặng mục tiêu tăng thu ngân sách trong nhiệm kỳ này. Thậm chí có thể nới bội chi ngân sách.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận