Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư
Tại UAE ngày 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo 2 tập đoàn năng lượng Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và Enterprize Energy (Anh). Đây là những doanh nghiệp lớn muốn được đầu tư hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi Việt Nam.
Những trao đổi giữa người đứng đầu Chính phủ với đại diện các tập đoàn này đã nhen nhóm trở lại hy vọng tham gia thị trường điện gió ngoài khơi của những nhà đầu tư ngoại, sau khi Tập đoàn Osted (Đan Mạch) dừng kế hoạch đầu tư hồi giữa năm nay.
Tại Việt Nam, Copenhagen Infrastructure Partners đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.
Còn Enterprize Energy hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia có công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Enterprize Energy đã có văn bản kiến nghị được thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind nhưng theo tài liệu của Báo Giao thông, hồi tháng 9/2023, Bộ Công thương cho biết quy định về thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi chưa được cấp có thẩm quyền ban hành. Do đó, Bộ Công thương cho rằng không có cơ sở để giải quyết kiến nghị của Enterprize Energy.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Việc chưa có quy định về thí điểm điện gió ngoài khơi và đang giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư ngoại phải chờ đợi.
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6.000 MW vào năm 2030. EVN mong muốn được đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi ở vịnh Bắc Bộ có quy mô công suất 810 MW. Còn Tập đoàn dầu khí (PVN) đang đề xuất triển khai 4 dự án điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hải Phòng - Thái Bình.
TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, sẵn sàng đầu tư lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trong hồ sơ Quy hoạch Điện VIII, rất nhiều nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng dự án tại Việt Nam (96 dự án với tổng công suất gần 160 GW, gấp đôi mục tiêu trong Quy hoạch Điện VIII).
"Vấn đề là cần phải có chính sách tận dụng tiến bộ công nghệ, giảm giá thành đầu tư điện gió ngoài khơi nói riêng và các loại hình năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung. Chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) của gió khơi trên thế giới giai đoạn 2010-2020 đã giảm khoảng 70%. Từ 2020-2030 dự báo sẽ giảm thêm 30% nữa. Có thể thấy, giá sẽ rơi tương đối nhanh trong 5 năm nữa", chuyên gia này đánh giá.
Khó đạt mục tiêu 6.000 MW năm 2030 nếu chậm đầu tư dự án
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết các nước có biển thường chủ yếu tập trung vào điện gió ngoài khơi. So điện gió trên bờ và điện năng mặt trời, nguồn điện này ưu việt hơn hẳn do gió ngoài khơi khá ổn định, thời gian sử dụng công suất cực đại khoảng 4.000-4.700 giờ/năm, tương đương hoặc cao hơn thủy điện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian phát triển một dự án điện gió ngoài khơi phải trải qua nhiều công đoạn, chỉ riêng việc khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió... đã mất vài ba năm. Do đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này nhằm hướng đến mục tiêu đặt ra là 6.000 MW vào năm 2030.
Về phía nhà đầu tư, vốn sốt sắng trong việc đầu tư điện gió ngoài khơi, PVN kiến nghị trong khi chờ đợi luật chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo, Chính phủ xem xét ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý riêng cho điện gió ngoài khơi để thực hiện mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chính phủ nên giao Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi). Từ đó, chọn ra các nhà thầu có đủ năng lực về vốn - tài chính, đội ngũ kỹ thuật, dẫn tới giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các dự án nêu trên.
Do mỗi dự án cần thời gian đầu tư xây dựng 6-8 năm nên nếu không sớm chọn được dự án và chủ đầu tư sẽ rất khó thực hiện được quy mô điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW.
Còn TS. Dư Văn Toán cho rằng quy hoạch không gian biển là quy hoạch đa ngành cho các ngành kinh tế biển chính. Năng lượng tái tạo hay điện gió ngoài khơi đang thuộc quy hoạch ngành. Hiện, ngành năng lượng gió ngoài khơi nói chung vẫn chưa xác định được không gian biển cần thiết đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Bộ Công thương và Bộ TN&MT sẽ cần phối hợp để xác định vấn đề này. Dự thảo quy hoạch đã có và sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo ông Toán, hiện nay, Quy hoạch Điện VIII và các nghiên cứu đều chưa nêu rõ khái niệm về không gian biển. Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ gây vướng mắc cho địa phương và doanh nghiệp vì không rõ đơn vị cấp phép khảo sát, triển khai dự án, cũng như định hướng phát triển điện gió cho địa phương, công nghệ móng trụ gió.
"Ở bất kỳ nước nào, giai đoạn đầu tư ban đầu sẽ đắt nhất và cần có tầm nhìn trong dài hạn. Nếu Việt Nam đi đúng lộ trình quy hoạch điện, với cam kết đầu tư của các đối tác quốc tế và nỗ lực thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ, giá thành có thể hạ sau khoảng 4-5 năm triển khai. Khi đó, chúng ta đã có chuỗi cung ứng, cơ sở sản xuất nội địa hóa từ cột trụ đến lắp đặt, bảo dưỡng, tàu bè, đơn vị cung ứng dịch vụ dự báo có thể cạnh tranh với điện từ năng lượng hóa thạch", ông Dư Văn Toán nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận