Kinh tế xã hội khởi sắc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,41%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,66%; dịch vụ tăng 6,99%; thuế sản phẩm tăng 5,97%.
9 tháng năm 2024, kinh tế xã hội Hòa Bình có nhiều nét khởi sắc nhờ những bước đi đúng đắn mang tính đột phá. (Mô hình trồng cam sạch ở Cao Phong)
Các hoạt động thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc.
Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Hòa Bình ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.031 triệu USD, tăng 15,09% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỷ đồng tăng 18,9% so với cùng kỳ, đạt 80,4% kế hoạch năm.
Thu ngân sách nhà nước đến tháng 9 ước đạt 4.800 tỷ đồng, đạt 119% dự toán Chính phủ giao và đạt 83% dự toán HĐND tỉnh giao. Các hoạt động đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm, tại Hòa Bình ước có 375 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, tuy số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 22%, nhưng số vốn đăng ký tăng 40%.
Có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 17 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư; tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng.
So sánh với cùng kỳ năm 2023, số dự án cấp mới tăng 2 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng khoảng 8.000 tỷ đồng. Có 90 doanh nghiệp quay lại thị trường...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hiện đang triển khai 14 dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có 6 dự án giao thông, thủy lợi và 8 dự án ngoài ngân sách.
Cơ bản các dự án triển khai bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, Dự án đường liên kết vùng dự án mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đã hoàn thiện thủ tục, khởi công dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 -Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục nhà ga, tuyến cáp treo và các hạng mục phụ trợ Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy để đảm bảo đưa hạng mục dự án vào hoạt động chậm nhất cuối năm 2024.
Dự kiến khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nhuận Trạch trong quý IV/2024, dự án sản xuất Vôi, bột nhẹ, dự án sản xuất xi măng của tập đoàn Xuân Thiện, dự án cáp treo từ Kim Kôi sang Lạc Sơn của tập đoàn Sun Group sẽ khởi công vào đầu năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công và tặng quà các kỹ sư công nhân thi công dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu vào ngày 29/9.
Kiên định thực hiện 5 đột phá chiến lược
Trong 4 năm qua, Đảng bộ, chính quyền nhân dân, tỉnh Hòa Bình đã kế thừa, phát huy và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đang tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện hiệu quả 5 đột phá chiến lược của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phá và theo 4 trụ cột phát triển.
Cụ thể, 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tập trung tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực; phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh; giải quyết tốt mối liên kết kinh tế, đảm bảo tốt vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
5 đột phá phát triển là, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
4 ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng được coi là trụ cột để Hoà Bình phát triển, là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nhà ở vệ tinh.
Thăm, làm việc với Ban thường vụ tỉnh Hoà Bình hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hòa Bình phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; hình thành các vùng động lực làm đầu tàu phát triển; phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận