Cuối năm hoàn thành dự án mở rộng quốc lộ 6 đoạn tránh TP Hoà Bình
Chiều 28/9, là ngày nghỉ cuối tuần nhưng trên công trường thi công Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 6 (Km 73+500 - Km 78+500) vẫn có hàng chục kỹ sư công nhân tất bật làm việc.
Tại cầu Suối Chăm, tổ thi công thảm bê tông nhựa của Công ty Trường Thành đang vận hành dây chuyền thảm để thi công lớp bê tông nhựa mặt đường phần mở rộng.
Kỹ sư Lê Văn Thanh cán bộ kỹ thuật của nhà thầu Trường Thành cho biết: "Tranh thủ hôm nay trời nắng, đơn vị lập kế hoạch thảm nốt phần bê tông nhựa mặt C16 trên cầu và đường dẫn. Nếu thuận lợi thì chỉ đến mai là chúng tôi sẽ thảm xong toàn bộ phần cầu và phần đường do đơn vị đảm nhận. Tính tổng khối lượng, đơn vị đã thảm được 2,1/2,5 km. Phần còn lại do vướng mặt bằng, buộc chúng tôi phải chờ khi địa phương bàn giao mới thi công tiếp được".
Theo ghi nhận của phóng viên, nhờ mặt đường được thảm mở rộng mà đoạn tuyến trở nên thông thoáng, phương tiện lưu thông dễ dàng. Người tham gia giao thông cũng phấn khởi hơn rất nhiều.
Anh Bùi Văn Bình (một lái xe dịch vụ ở TP Hoà Bình) cho biết: "Trước đây, khi đi qua đoạn này, chúng tôi rất sợ, vì ở đây đường cong cua, dốc lại hẹp nên hay xảy ra tai nạn. Bây giờ đường rộng thênh thang, đi thoáng cũng tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu hơn".
Ông Vũ Trọng Huấn, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 6, Bộ GTVT) cho biết: Tính đến thời điểm này các nhà thầu trên tuyến đã thi công đạt giá trị sản lượng tương đương 154 tỷ đồng (đạt 85% tổng giá trị xây lắp dự án). Hiện nay, toàn tuyến còn vướng mặt bằng 600m theo kiểu xôi đỗ gây khó khăn cho công tác thi công. Phía thành phố cũng đang hết sức nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn liên quan. Theo như biên bản cuộc họp gần đây, thành phố dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước 15/11 và chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa dự án về đích trước 31/12 năm nay.
Ông Huấn cũng cho biết: Dự án này được lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm. Vì khi dự án hoàn thành sẽ không chỉ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông ở cửa ngõ phía Nam của TP Hoà Bình mà còn tăng khả năng, năng lực lưu thông, giao thương cho các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là Sơn La, Điện Biên. Vì thế, quá trình thi công dự án, dù gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết, nhưng Ban và các nhà thầu đã rất nỗ lực. Ngay cả thời điểm này, có nhiều vị trí người dân chưa được nhận tiền đền bù, nhưng chúng tôi vẫn vận động để được mượn đất đặt cống, hoàn thiện mặt đường trước.
Giao thông tạo đà cho Hoà Bình phát triển
Nếu như dự án quốc lộ 6 là công trình mang tính giải nút thắt hạ tầng thì dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu lại là công trình mang tính chiến lược, mở ra cơ hội cho Hoà Bình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp về khởi công dự án và có những chỉ đạo định hướng chiến lược cho công cuộc phát triển hạ tầng giao thông của Hoà Bình nói riêng và khu vực các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Theo Thủ tướng, các tỉnh Tây Bắc (gồm 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) hiện mới chỉ có duy nhất một tuyến cao tốc là Nội Bài - Lào Cai. Điều này cho thấy, hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thủ tướng lấy ví dụ, Sơn La đã phát triển các loại nông sản rất tốt, nhưng vì hạ tầng giao thông khó khăn nên làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo thuận lợi cho các nông sản của Sơn La tham gia chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03), trong đó có Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Các dự án góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới, kết nối vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.
Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (về cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch); tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Ngoài ra, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế tại khu vực chiến lược Tây Bắc.
Cũng trong năm 2024, tại tỉnh Hoà Bình, đang có hàng loạt các dự án xây dựng hạ tầng giao thông được triển khai như: Dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (giai đoạn 1 trị giá 251,8 tỷ đồng), Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (1.666 tỷ đồng), Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (354 tỷ đồng), Dự án đường từ quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch (330 tỷ đồng). Đây đều là những dự án quan trọng nhằm tạo "cú huých” khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hoà Bình trong những năm tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận