TCT Đường sắt VN vừa khánh thành Trung tâm Điều hành quản lý dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam".
Dự án có tổng mức đầu tư gần 253 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu USD; trong đó vốn ODA không hoàn lại do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tài trợ khoảng 13,5 tỷ Won Hàn Quốc (KRW), tương đương gần 237 tỷ đồng; Vốn đối ứng hơn 16 tỷ đồng từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của TCT Đường sắt VN.
Dự án nhằm giới thiệu, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận và vận hành một số máy móc thiết bị trong hoạt động bảo trì giao thông vận tải đường sắt tiên tiến tại Hàn Quốc vào các tuyến đường sắt hiện hữu tại Việt Nam; Xây dựng, hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện vận hành đường sắt tại Việt Nam.
Đào tạo chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật bảo trì giao thông đường sắt; Xây dựng hệ thống phòng ngừa sự cố nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, an toàn hệ thống giao thông đường sắt tại Việt Nam. Theo đó, có khoảng 300 người được đào tại tại Việt Nam; 60 người đào tạo tại Hàn Quốc.
Cùng đó, thiết lập hệ thống bảo trì hiệu quả thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, cải thiện hệ thống bảo trì và nâng cao hiệu quả khai thác vận hành, tiết giảm chi phí bảo trì, duy tu so với định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành.
Tổng hợp, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt tại Việt Nam xem xét điều chỉnh, bổ sung quy trình bảo trì và định mức bảo trì đường sắt (nếu có). Áp dụng quy trình bảo trì ray dự phòng căn cứ trên dữ liệu số, chuẩn bị cơ sở tiếp cận và vận hành hệ thống bảo trì ứng dụng kỹ thuật số, nâng cao hiệu quả khai thác vận hành.
Đại diện TCT Đường sắt VN cho biết, cùng với khánh thành trung tâm điều hành dự án, ban điều hành dự án tổ chức khai giảng khóa cán bộ đầu tiên về quản lý vận hành máy móc, thiết bị kiểm tra đường ray... Dự kiến, tháng 11, 12/2023, phối hợp Công ty Twotrack, đơn vị thành viên liên danh nhà thầu thực hiện các thủ tục để thi công đoạn đường thí điểm trên tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - TP.HCM.
Thông tin thêm, ông Kwon Se-gon, Giám đốc dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc, thiết bị cung cấp theo dự án sẽ được sử dụng cho công tác cắt ray, hàn ray, mài ray và phát hiện khuyết tật ray. Đây là những công nghệ cốt lõi về đường sắt, cần đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao.
"Qua việc triển khai dự án này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực quản lý bảo trì đường sắt của Việt Nam, giảm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm thiệt hại về người và tài sản bằng cách giảm tai nạn do trật bánh", ông Kwon Se-gon nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận