Khả năng vận tải thủy khu vực phía Nam đang bị hạn chế bởi có nhiều cầu tĩnh không thấp, không đồng cấp kỹ thuật của luồng đường thủy
Nhiều luồng đường thủy và cây cầu có tĩnh không rất thấp, gây cản trở, là điểm nghẽn trên các tuyến đường thủy huyết mạch sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025…
Hai kênh trọng điểm đang được khơi thông
Kênh Chợ Gạo dài hơn 28km, đi qua tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. Cách đây vài năm, 17km kênh Chợ Gạo (đoạn từ Rạch Lá đến Kỳ Hôn) được đầu tư nạo vét đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp III, rộng 30m và kè bờ một số đoạn, tạo thành tuyến giao thông thuận lợi.
Tuy vậy, khoảng 2 - 3 năm gần đây, lưu lượng và tải trọng phương tiện thủy qua kênh Chợ Gạo tăng đột biến, gây quá tải, ùn tắc và cản trở phát triển vận tải thủy khu vực phía Nam.
Theo đơn vị quản lý tuyến, trung bình có 1.400 lượt phương tiện/ngày với trọng tải từ 200 - 1.000 tấn lưu thông qua kênh Chợ Gạo. Ngày cao điểm lên đến 1.800 lượt.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải Thủy nội địa VN cho biết, các đơn vị vận tải phía Nam nhiều lần kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp cải tạo kênh Chợ Gạo nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Đề cập vấn đề trên, Ban Quản lý các dự án (QLCDA) đường thủy (Bộ GTVT) thông tin, dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn II) được Bộ GTVT phê duyệt có tổng mức đầu tư 1.336 tỷ đồng từ ngân sách, với quy mô chính là nạo vét 10km đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp II, kiên cố hóa kè bờ, làm cầu, đường dân sinh, cải tạo, bạt một số đoạn mom đất trên đoạn Rạch Lá - Kỳ Hôn.
Sau khi dự án hoàn thành, luồng đường thủy kênh Chợ Gạo sẽ có độ sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m và bán kính cong hơn 500m, đáp ứng tốt hơn cho phương tiện thủy vận tải hàng hóa lưu thông qua.
“Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị GPMB, lập hồ tư vấn, mời thầu. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023, song chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến sẽ khởi công dự án tháng 6 - 9/2021 và hoàn thành vào giữa năm 2022”, ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban QLCDA Đường thủy cho biết.
Tại khu vực phía Bắc, tháng 11/2020, dự án đào tuyến kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ (Nam Định, vốn ODA) cũng được khởi công.
Dự án nhằm tạo ra một tuyến đường thủy dài khoảng 1km, rộng 90 - 100m và âu tàu để phục vụ phương tiện thủy trọng tải 2.000 tấn đầy tải và đến 3.000 tấn (giảm tải) lưu thông qua lại dễ dàng từ các cảng thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, Ninh Bình ra cửa biển Lạch Giang.
Tuyến kênh đào này sẽ giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình của phương tiện thủy từ Quảng Ninh và Nam Định, Ninh Bình. “Hiện dự án đang được triển khai theo đúng kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ giữa năm 2022”, lãnh đạo Ban QLCDA Đường thủy thông tin.
Đề xuất đầu tư nâng cao tĩnh không một loạt cầu
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN chia sẻ, trên một số tuyến đường thủy trọng điểm, đang bị hạn chế khả năng vận tải, lưu thông do tồn tại các nút thắt về cầu vượt sông, kênh có tĩnh không thấp.
Có thể kể đến như: Cầu Đuống, Đồng Nai, Phước Long, Măng Thít, Nàng Hai, Rạch Ông, An Long... Thậm chí, một số cầu có thể gây nguy hiểm cho phương tiện nên phải tổ chức điều tiết, hướng dẫn đảm bảo giao thông để phương tiện thủy qua lại an toàn, cũng như bảo vệ công trình cầu vượt sông, kênh.
“Chỉ thị số 37/2020 của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa yêu cầu từng bước giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải chính như: Quảng Ninh - Hà Nội, TP.HCM - Cà Mau, tuyến vận tải thủy kết nối với Campuchia… Chỉ khi các tuyến trọng điểm giải quyết được các nút thắt mới khai thác tốt hơn tiềm năng của vận tải thủy”, ông Thu nói và cho biết, Cục Đường thủy nội địa VN đã lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ này trong giai đoạn năm 2020 - 2025.
Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban QLCDA Đường thủy, các tuyến đường thủy chính của ĐBSCL, trong đó có tuyến kênh Tháp Mười số 1, Mỏ Cày, Thị Đội Ô Môn, kênh Lấp Vò - Sa Đéc, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, sông Vàm Cỏ Tây... đã cơ bản được đầu tư nạo vét đạt tiêu chuẩn kênh cấp III trở lên, tạo thuận lợi cho phương tiện thủy vận tải hàng hóa lưu thông.
Tuy nhiên, trên các tuyến này ngoài các cầu xây mới có khoang thông thuyền đảm bảo độ rộng, cao tối thiểu cho tàu thuyền đi lại, vẫn còn một số cầu không đảm bảo tĩnh không, gây cản trở giao thông thủy.
Với thị phần vận tải quan trọng của đường thủy hiện nay và tương lai (trung bình chiếm khoảng 70% lưu lượng hàng hóa thông qua giữa TP HCM và khu vực ĐBSCL), việc đầu tư nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt qua tuyến đường thủy quốc gia trọng điểm khu vực phía Nam là rất cần thiết.
“Ban QLCDA Đường thủy vừa đề xuất Bộ GTVT ưu tiên đầu tư cải tạo 11 cầu trên các tuyến trọng điểm phía Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường thủy mà đặc biệt là vùng ĐBSCL sẽ mang lại lợi ích lâu dài, vừa phát triển KT-XH, vừa giảm thiểu áp lực vận tải lên đường bộ và giảm giá thành vận tải hàng hóa”, lãnh đạo Ban QLCDA Đường thủy cho biết.
11 cầu được đề xuất nâng cấp ở phía Nam
Theo Ban QLCDA Đường thủy, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần ưu tiên đầu tư nâng cấp 11 cầu: Mỏ Cày (kênh Mỏ Cày, nối QL60, Bến Tre), Ô Môn và Thới Lai (rạch Ô Môn, Cần Thơ), Đông Thuận và Đông Bình (kênh Thị Đội - Ô Môn, Cần Thơ), Vàm Xáng (kênh Thốt Nốt, Kiên Giang), Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây, Long An), Tân Thạnh và An Long (kênh Tháp Mười số 1, Đồng Tháp) và Hồng Ngự (kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, Đồng Tháp).
Quy mô đầu tư là xây cầu mới bằng bê tông cốt thép đảm bảo tĩnh không thông thuyền kênh cấp III, tối thiểu chiều cao 6m (ứng với tần suất 5% mực nước), rộng từ 30m trở lên. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.299 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng 15%), từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận