Đường sắt đô thị

Đầu tư thẻ vé metro, đừng mỗi nơi một kiểu

06/04/2022, 06:00

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, trong 3 dự án metro đang khai thác hoặc sắp hoàn thành, mỗi nơi áp dụng tiêu chuẩn hệ thống thẻ vé khác nhau.

Trước việc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên đề xuất đầu tư bổ sung 159 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống bán vé tự động, các chuyên gia đề nghị cân nhắc hiệu quả trước khi quyết định.

img

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến khai thác thương mại trong quý IV năm 2023

Mỗi dự án một tiêu chuẩn

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR, chủ đầu tư) vừa đề xuất thực hiện dự án nâng cấp hệ thống thẻ vé tự động tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (dự kiến khai thác thương mại quý IV/2023) với 159 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Theo chủ đầu tư, hệ thống thẻ vé được tư vấn chung lập từ năm 2010 và nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) bắt đầu thực hiện thiết kế kỹ thuật chi tiết từ năm 2015.

Thời điểm trên chưa có tiêu chuẩn chung nên MAUR chọn thẻ công nghệ thẻ vé loại C (ISO/IEC 10892) làm tiêu chuẩn chính.

Đến nay, thiết kế hệ thống trên bộc lộ hạn chế là chỉ dùng cho 3 loại vé: Vé 1 lượt, vé ngày (gồm 1 ngày và 3 ngày) và thẻ tích tiền. Các loại vé này không định danh nên không thể áp dụng cho các loại vé giảm giá và vé tháng.

Việc nạp tiền vào vé chỉ có thể thực hiện tại máy bán vé hoặc quầy của nhà ga, chưa nạp được tiền theo hình thức phổ biến khác như chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử.

Hệ thống cũng chưa thể kết nối với hệ thống thu phí của các tuyến đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng của thành phố nói chung (buýt, buýt nhanh BRT).

Theo MAUR, để liên thông thẻ vé giữa tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với hệ thống buýt, buýt nhanh BRT, hệ thống thẻ vé của dự án cần được nâng cấp bổ sung thiết bị phần cứng, hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm và chạy song song với hệ thống thẻ vé được thiết kế theo dự án. Trong đó, mỗi ga sẽ lắp đặt thêm ít nhất 2 cổng soát vé cạnh các cổng theo thiết kế.

img

Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông bán vé ngày, tháng, vé miễn phí tại quầy

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, trong số 3 dự án metro đang khai thác hoặc sắp hoàn thành (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên), mỗi dự án áp dụng tiêu chuẩn hệ thống thẻ vé khác nhau.

Trên cơ sở hệ thống thẻ vé tự động của dự án metro hiện nay, các hình thức thanh toán có thể nâng cấp được theo công nghệ 4.0. Chẳng hạn, thanh toán qua điện thoại thông minh cần phải qua ví điện tử và tại ga có máy đọc, trong điện thoại có tính năng trên thì chỉ cần quét điện thoại để thanh toán.
Hiện nay, thanh toán các dịch vụ chủ yếu bằng thẻ ATM và điện thoại thông minh. Đây không phải là câu chuyện của metro mà của nhà mạng, giữa chủ điện thoại với nhà mạng, của chủ thẻ và các ngân hàng.
Metro chỉ nên đóng vai trò kêu gọi, tạo môi trường để ứng dụng, còn ngân hàng phải đầu tư.

Chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân


Tuy vậy, đặc điểm chung là áp dụng phương thức nạp tiền mua vé tại máy bán vé tự động hoặc trực tiếp tại quầy, thẻ tích tiền, chưa áp dụng nạp tiền qua ngân hàng, thẻ ATM hay ví điện tử.

Tại tuyến Cát Linh - Hà Đông, máy bán vé tự động hiện chỉ bán vé lượt (chuyến), còn vé ngày, tháng được bán tại quầy; vé lượt, tháng có hình thức thẻ (để đi qua cổng soát vé), còn vé ngày là vé giấy giống như vé xe buýt.

Cần quy chuẩn chung

Điều khiến dư luận quan tâm là hệ thống hiện nay của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông hoạt động bình thường, gây phát sinh chi phí không đáng kể (in, quản lý vé giấy).

Trong khi với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, để nâng cấp hệ thống thẻ vé phải chi phí tới 159 tỷ đồng. Vì vậy, có người ủng hộ song cũng có ý kiến trái chiều về đề xuất trên.

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, công nghệ thẻ vé của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên không phải “lạc hậu” như một số ý kiến nhận định.

Bởi, hệ thống này được thiết kế theo nguyên lý chung là giá mở cửa và cộng thêm tiền theo thực tế km di chuyển, trên cơ sở đó tính ra giá vé ngày, vé tháng. Hình thức vé có dạng thẻ quẹt từ để đi qua cổng soát vé tự động.

“Cách giải quyết chế độ miễn, giảm giá vé được giải quyết bằng vé nạp tiền nên khá đơn giản. Hành khách được giảm bao nhiêu thì nạp tiền vào vé nạp tiền để đi khi đến lúc hết tiền. Hết tiền là tính theo thời gian. Ví dụ, vé tháng đối với sinh viên là 100 nghìn đồng, chỉ cần nộp tiền là được mã hóa cho một vé thì từ 0h ngày 1 đến ngày 30 là hết giá trị.

Đây không phải là vấn đề phức tạp, nên việc bỏ ra 159 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống thẻ vé là vô cùng tốn kém. Ý tưởng đầu tư và hiệu quả mang lại không tương ứng với nhau”, ông Ân nói.

img

Mua vé lượt qua máy bán vé tự động tại nhà ga tuyến metro tuyến Cát Linh - Hà Đông

Theo ông, việc nâng cấp giải pháp thanh toán là đúng, nhưng trên cơ sở hệ thống thẻ vé của dự án, giải pháp nào kết hợp được thủ công thì nên tính đến, chứ không nhất thiết phải tự động hóa hoàn toàn, dẫn đến tốn phí rất lớn về đầu tư.

Nhìn từ tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ông Hồ Ánh Sáng, nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ GTVT cho biết thêm, hệ thống thẻ vé của tuyến Bến Thành - Suối Tiên ở mức tiên tiến hơn.

“Xét theo khía cạnh phát triển công nghệ thì hệ thống thẻ của các tuyến trên cần nâng cấp, nhưng có thực sự cần thiết? Các tuyến đường sắt ở TP.HCM mỗi tuyến một tiêu chuẩn thẻ vé, nên việc nâng cấp ở tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có ý nghĩa gì không?

Tôi cho rằng 5 - 10 năm nữa, trong nước nên chấp nhận dùng hệ thống thẻ vé theo thiết kế dự án. Khi nào mỗi thành phố có vài tuyến metro thì lập hệ thống chung, thống nhất. Hành khách chỉ cần một loại thẻ vé là đi được tất cả các tuyến”, ông Sáng nói.

Cũng theo các chuyên gia trên, bất cập hiện nay là chưa có quy chuẩn chung về hệ thống thẻ vé metro. Do đó, cơ quan quản lý nên sớm xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia, tránh tình trạng mỗi dự án áp dụng một tiêu chuẩn riêng.

Nâng cấp hay giữ nguyên hệ thống cũ?

Liên quan đến đề xuất đầu tư bổ sung 159 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống bán vé tự động, một lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, công nghệ thu phí bổ sung sẽ khắc phục các hạn chế của hệ thống hiện hữu.

Khách đi metro có thể thanh toán qua mã QR hoặc điện thoại thông minh, thay thế vé đi tàu. Các tính năng khác cũng được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu về liên thông, kết nối hệ thống thẻ vé chung của các loại hình giao thông công cộng khác ở thành phố...

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông đô thị TP.HCM, nên để hệ thống thẻ vé metro cũ một thời gian, chưa cần thiết phải đầu tư tiền để thay đổi ngay, vì công nghệ thay đổi rất nhanh.

“Nhiều nước cách đây 15 năm họ vẫn dùng hệ thống thẻ cũ cũng vẫn sử dụng tốt, vẫn có thể dùng thẻ và tiền mặt song song. Tuyến metro số 1 đã ngốn quá nhiều tiền của Nhà nước rồi nên giờ tạm thời dùng hệ thống cũ và rút kinh nghiệm cho các tuyến sau này. Không phải công nghệ hiện đại nhất là tốt nhất”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, đơn vị tư vấn đáng ra phải nhìn thấy trước những vấn đề của 10 - 20 năm sau.

“Năm 2010 đã có công nghệ số rồi, nhưng tư vấn lại không nhìn thấy được những lạc hậu về sau. Đó là một kinh nghiệm để tất cả các tổ tư vấn khác trên hệ thống tuyến metro sau này và các công trình dự án giao thông khác trong tương lai nhìn lại”, ông Mai nói.

Đỗ Loan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.