Trong khi đó, các dự án metro khác đã và đang triển khai đều gặp phải tình trạng đội vốn, chậm tiến độ.
Báo Giao thông trao đổi với ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN về giải pháp tổng thể cho bài toán này.
Ông Vũ Quang Khôi
Thiếu cả kinh nghiệm thực tế và lý thuyết
Các dự án metro đã và đang triển khai đều bị chậm tiến độ, đội vốn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Các dự án án được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM như: Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương được chuẩn bị từ khoảng những năm 2004 - 2005.
Thời điểm cách đây 16 - 17 năm, loại hình này hoàn toàn mới với các chủ thể trong nước liên quan đến dự án, từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp quản lý dự án và các đơn vị tư vấn.
Có thời kỳ dài quy định về chế độ, chính sách về nhân công điều chỉnh của các địa phương còn chậm, không theo kịp so với thực tế yêu cầu dự án dẫn đến chủ đầu tư rất lúng túng, đợi chờ, thậm chí bị sai sót ngoài ý muốn trong công tác phê duyệt, điều chỉnh hợp đồng dự án.
Bên cạnh đó, chính sách và chi phí về giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế nên thường khó thực hiện, dẫn đến kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.
Ông Vũ Quang Khôi
Công nghệ metro rất hiện đại, phức tạp và lần đầu được triển khai trong bối cảnh trong nước chưa hề có kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn, trong khi dự án phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, luật chuyên ngành và các quy định liên quan.
Song như Cát Linh - Hà Đông, thời điểm bắt tay vào triển khai chưa có hoặc chưa đầy đủ quy định để áp dụng, đơn cử như mẫu hợp đồng EPC và trách nhiệm của từng chủ thể, định mức xây dựng…
Quá trình triển khai, các quy định về đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn hệ thống đường sắt đô thị mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi phải điều chỉnh theo.
Trong khi đó, chưa chủ thể nào có kinh nghiệm nên không lường hết các công việc, nhiệm vụ sẽ phải thực hiện.
Do đó, từ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa đầy đủ nên đều phải điều chỉnh, bổ sung. Điều này dẫn đến thay đổi quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện.
Việc mỗi dự án metro sử dụng một công nghệ khác nhau có khiến việc ban hành tiêu chuẩn để áp dụng chung gặp khó khăn, thưa ông?
Các dự án metro đang triển khai đều sử dụng vốn vay ODA nước ngoài (đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công trình, hệ thống thiết bị, đoàn tàu) kết hợp vốn đối ứng trong nước (GPMB, di dời công trình công cộng và các chí phí khác).
Mỗi dự án có nhà tài trợ vốn khác nhau nên áp dụng công nghệ theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn. Điều này dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng công nghệ, thậm chí là khác biệt.
Ví dụ khác biệt về thiết kế nguồn điện, phương thức cấp điện, thiết kế đoàn tàu hay một số tiêu chuẩn chuyên ngành khác… đòi hỏi quy định trong nước phải có các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật tương ứng.
Trong khi đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của Việt Nam đối với đường sắt đô thị còn thiếu, thậm chí một số còn chưa có.
Việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ảnh hưởng thế nào đến quá trình khai thác vận hành?
Quá trình triển khai các dự án bộc lộ vấn đề sâu xa hơn là việc tiếp thu, tiếp nhận công nghệ metro chưa được tổ chức bài bản.
Trong các trường đại học chuyên ngành GTVT đã có hệ thống đào tạo về metro nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn về nghiên cứu, thực hiện, khai thác, tiếp nhận công nghệ các dự án phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Dẫn chứng là dự án Cát Linh - Hà Đông sau khi được bàn giao, đưa vào khai thác vận hành vẫn phải có sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài.
Đến nay, chúng ta cũng chưa có các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực thụ, đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao công nghệ dự án metro.
Việc tiếp nhận công nghệ mới chỉ thông qua chủ đầu tư và doanh nghiệp khai thác vận hành metro.
Việc chưa có hoặc thiếu sự chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao công nghệ một cách bài bản, có hệ thống dễ dẫn đến sự phụ thuộc bên ngoài về công nghiệp đường sắt đô thị (sửa chữa phương tiện, thiết bị, phương tiện; chế tạo phụ từng, thiết bị thay thế…) trong quá trình khai thác vận hành sau này.
Khẩn trương sửa đổi các quy định đầu tư
Đến nay, nhiều người đã bỏ phương tiện cá nhân, chọn tàu Cát Linh - Hà Đông để đi lại hàng ngày. Ảnh: Tạ Hải
Vậy theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì để giải quyết những vấn đề trên?
Các chủ đầu tư hiểu rõ nhất từng khó khăn, vướng mắc của dự án metro nên cần chủ động, khẩn trương tổng kết bài học kinh nghiệm để đề xuất cơ quan chức năng xây dựng các quy định của pháp luật liên quan.
Trong đó, cần tổng kết, đề xuất xây dựng suất vốn đầu tư cho công trình đường sắt đô thị để kiểm soát chi phí xây dựng. Cùng đó, phải sớm hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về đường sắt đô thị.
Chúng ta cũng cần sớm sửa đổi đồng thời các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng, các quy định của hợp đồng EPC và trách nhiệm của từng chủ thể phù hợp, công tác giải ngân vốn ODA và vốn vay; tách riêng hợp phần GPMB và giao cho địa phương, chỉ thi công khi đã có mặt bằng sạch để tránh ảnh hưởng thời gian đến thi công, xây dựng.
Nhà nước cũng nên sớm đầu tư, thành lập đơn vị nghiên cứu thực thụ để tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt đô thị.
Đồng thời, xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó có sản xuất phương tiện, vật tư, thiết bị cho đường sắt, tạo thế chủ động trong phát triển công nghiệp đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Đây là những điều kiện cần thiết để trong nước dần làm chủ công nghệ quản lý xây dựng, quản lý khai thác metro và không phụ thuộc bên ngoài.
Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Cục Đường sắt VN làm gì để giải quyết tình trạng dự án metro chậm tiến độ, đội vốn?
Cục Đường sắt VN đã tham mưu Bộ GTVT xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt nói chung và đường sắt đô thị nói riêng; trong đó có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường sắt đô thị, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hoàn thiện cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Thời gian tới, bên cạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, chúng tôi tiếp tục tham gia tích cực vào Ủy ban Điều phối đường sắt đô thị ở các địa phương để chủ động, sớm hình thành bộ máy quản lý, điều hành khai thác đường sắt đô thị theo chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của dự án.
Chúng tôi sẽ phối hợp kêu gọi các tổ chức nước ngoài tổ chức các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật để đào tạo trong nước và nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt;
Tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương tham mưu xây dựng, đề xuất ban hành bổ sung suất vốn đầu tư cho đường sắt đô thị để phục vụ tham khảo, kiểm soát chi phí xây dựng.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận