Hạ tầng

Góp ý văn kiện trình Đại hội Đảng: Đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giao thông

Dự thảo tổng kết chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2011-2020) và xây dựng chiến lược 10 năm (2021-2030) xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá.

img
Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD. (Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Long Thành)

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, một số ĐBQH cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, cần bổ sung những giải pháp đột phá nhằm huy động các nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giao thông.

Dành nguồn lực xứng đáng

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã lựa chon 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng. Đây là quan điểm xuyên suốt và đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, ngành GTVT đã rà soát lại quy hoạch tổng thể nhu cầu để lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư, trong đó ưu tiên những dự án, công trình có sự lan tỏa, tạo được sự liên kết vùng. Nhiều tuyến cao tốc được xây dựng, nhiều tuyến giao thông huyết mạch được mở rộng, nâng cấp, tạo cú hích cho các địa phương, góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, do nguồn lực của chúng ta có hạn nên còn rất nhiều công trình dự án phải đầu tư mà chưa bố trí được vốn, chưa dành nguồn lực một cách thỏa đáng.

Điều đó dẫn tới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chất lượng chưa cao, chưa bảo đảm tính đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, vận hành. “Điều đó cho thấy so với mục tiêu đặt ra thì thực tiễn chưa đáp ứng được”, đại biểu đánh giá.

ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng, dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội tiếp tục khẳng định hạ tầng là một trong các khâu đột phá nên cần phải có chính sách đầu tư thỏa đáng hơn.

“Hạ tầng giao thông phải ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặt ra. Khi đã xác định như vậy thì phải ưu tiên nguồn lực xứng đáng, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế đất nước. Chính vì thế, dự thảo văn kiện cũng cần nêu rõ hơn nội dung này”, đại biểu góp ý.

Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề khó nhất để phát triển hạ tầng giao thông là nguồn lực đầu tư rất lớn.

Vì vậy, dự thảo chiến lược cần bổ sung giải pháp đột phá để phát huy mọi nguồn lực, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đã đặt ra trong văn kiện.

“Những giải pháp đột phá để huy động nguồn vốn cho công trình giao thông trong thời gian tới là rất cần thiết. Chẳng hạn như trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi cũng đã đưa vào quy định thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để dùng nguồn thu này quay trở lại đầu tư cho giao thông”, đại biểu dẫn chứng và cho rằng, những giải pháp mang tính đột phá có thể vướng luật này luật khác, song suy cho cùng thì mọi chính sách đều nhằm mục đích phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân nên mọi vướng mắc đều có thể giải quyết.

Chấp nhận tăng trần nợ công

img
Nhiều tuyến cao tốc được xây dựng thời gian qua đã tạo cú hích cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) Ảnh: PV

Đồng tình với góp ý cần bổ sung giải pháp đột phá để tạo nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhằm đạt những mục tiêu mà dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, để đầu tư một công trình giao thông hiệu quả, chúng ta sẵn sàng chấp nhận tăng trần nợ công.

Phát triển hạ tầng giao thông phải đồng bộ và tổng thể, những gì sử dụng ngân sách nhà nước, những gì huy động từ xã hội hóa phải có chiến lược và kế hoạch. Hiện nay hàng không đã có tư nhân tham gia, tạo ra sự cạnh tranh. Hệ thống đường thủy cũng như vậy, không nhất thiết phải trực tiếp nhà nước đầu tư. Điều quan trọng là phải tạo ra cơ chế để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Hệ thống đường bộ và đường sắt thì khác, cần số vốn rất lớn, không chỉ chờ đợi đơn thuần vào các nhà đầu tư tư nhân. Nhất là hệ thống đường sắt tốc độ cao, việc đầu tư là rất cần thiết, tuy nhiên đầu tư thế nào cũng cần có chiến lược cụ thể, khả thi.
ĐB Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách)


“Chúng ta phải xác định hạ tầng giao thông là xương sống của nền kinh tế. Nếu không có hạ tầng giao thông thì không thể phát triển bền vững được. Văn kiện Đại hội Đảng tiếp tục xác định, một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển nền kinh tế là xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Vì thế, bằng mọi cách phải huy động được tất cả các nguồn lực, kể cả nguồn lực từ bên ngoài. Đối với những công trình có thể phát huy được hiệu quả thì thậm chí chúng ta có thể đi vay, chấp nhận tăng trần nợ công”, đại biểu Vượt đề xuất.

Ở góc độ khác, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) góp ý, thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng giao thông mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thuỷ; đến năm 2020 có khoảng 1.400km đường cao tốc, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng cũng nên đặt ra nhiệm vụ quy hoạch đồng bộ cả 5 lĩnh vực là đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy và đường sắt. Trên cơ sở quy hoạch này, chúng ta phải chọn mức độ ưu tiên của từng vùng kinh tế trọng điểm, từng khu vực để xem đặt ưu tiên ở đâu để tập trung đầu tư từng giai đoạn.

“Nguồn vốn ngân sách của chúng ta rất hạn chế nên không thể đầu tư một cách dàn trải tất cả các địa bàn, khu vực mà chúng ta vẫn phải chọn lĩnh vực ưu tiên. Như vậy chúng ta phải xây dựng hệ thống tiêu chí để đánh giá mức độ ưu tiên từng vùng, miền để có một cơ cấu đầu tư hợp lý”, đại biểu Tùng đề xuất.

Cùng chung quan điểm, ĐBQH Đỗ Văn Sinh cũng phân tích, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể, xác định được phân kỳ đầu tư, xác định những lĩnh vực nào là trọng yếu thì phải làm trước. “Giao thông đường thủy chúng ta có rất nhiều lợi thế với mạng lưới sông ngòi dày đặc. Đầu tư cho đường sắt cũng cần rất nhiều vốn, khi nguồn vốn có hạn thì phải phân kỳ đầu tư thế nào cho hợp lý”, ông Sinh góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.