Kinh tế

Đây là lúc Chính phủ nên mạnh tay chi ra để hỗ trợ doanh nghiệp

04/04/2023, 19:55

Kinh tế khó khăn là lúc Chính phủ nên áp dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ - tức là mạnh tay chi ra để hỗ trợ doanh nghiệp…

Báo cáo quý I/2023 vừa được công bố cho thấy, bức tranh kinh tế - xã hội nước ta khá ảm đạm, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 3,32% - mức gần thấp nhất trong hơn 10 năm qua (2011-2023), chỉ cao hơn quý I/2020 - thời điểm nền kinh tế phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Các chỉ số thống kê thể hiện gì về "sức khỏe" các doanh nghiệp, nền kinh tế? Làm thế nào để cải thiện, nâng cao "sức khỏe"? PV Báo Giao thông đã trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.

img

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm là điều đã được dự báo từ trước

Nhiều rủi ro ngoài khả năng kiểm soát

Mới cách đây một quý, chúng ta vẫn tràn ngập lạc quan trước loạt chỉ số thống kê về kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2022 ước tăng 8,02% - cao nhất trong hơn 10 năm qua (giai đoạn 2011-2022). Tuy nhiên, bước sang kỳ thống kê đầu tiên của năm 2023, bức tranh kinh tế - xã hội bất ngờ đổi sắc. Diễn biến này có làm ông bất ngờ?

Đối với các nhà nghiên cứu kinh tế, đó không phải là điều quá bất ngờ. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng, nói cách khác là phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, vào tổng cầu cũng như giá cả nguyên nhiên vật liệu của thế giới.

Từ quý III năm ngoái, các chuyên gia đã dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ suy giảm, thậm chí có khả năng suy thoái. Cho nên, nước ta cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay.

Song ít ai nghĩ rằng bức tranh kinh tế quý I/2023 của Việt Nam lại ảm đạm như thế.

Nếu nhìn qua các chỉ số, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ ổn định của nền kinh tế với mức tăng hơn 2,52%. Khu vực dịch vụ được coi là điểm sáng nhất với mức tăng 6,79%, song cũng phải lưu ý, khu vực này tăng cao thực ra là do các khu vực còn lại suy giảm. Trong khi đó, ở chiều ngược lại là sự đi lùi của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với mức giảm 0,4%.

Xuất khẩu 3 tháng đầu năm chậm lại và giảm mạnh so với quý 1 năm trước là minh chứng kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới.

Công nghiệp và xây dựng thường đóng góp tỷ trọng 35-37% vào tốc độ tăng GDP hàng năm. Năm nay, bước lùi của khu vực này do suy giảm cầu hay suy giảm cung là năng lực sản xuất? Và điều này dẫn đến nguy cơ nào thưa ông?

Công nghiệp, xây dựng giảm chủ yếu do tổng cầu thế giới giảm, các công ty không có đơn hàng. Nhìn vào các danh mục trong công nghiệp chế biến, chế tạo rất đáng lo ngại: So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tiêu thụ toàn ngành giảm 2,9%; chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 19,8%; tỷ lệ tồn kho bình quân quý I/2023 là 81,1%; số lao động đang làm việc trong ngành giảm 2,2%...

Điều này cũng có mặt tích cực là năng lực năng lực sản xuất trong nước vẫn đáp ứng được, song mặt khác cũng thể hiện, khả năng tăng trở lại hay tiếp tục suy giảm của lĩnh vực này nằm ngoài kiểm soát của chúng ta.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo thường được coi là động lực, nên khi khu vực này suy giảm đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế như chúng ta đã thấy.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nguồn lực của chúng ta có hạn, thì một thứ chúng ta có dư địa rất lớn, không giới hạn, đó là thể chế, chính sách. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ưu tiên áp dụng một số cơ chế, chính sách cho TP.HCM trên một số nhóm lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân hàng, quản lý đô thị, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số… Tôi rất kỳ vọng, đây sẽ là động lực để TP.HCM phát triển và là hình mẫu để các địa phương khác rút ra bài học, áp dụng”, TS. Nguyễn Bích Lâm.

Kích cầu du lịch: Cách nào nhanh, dễ và rẻ?

Kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 3 tháng có hơn 60 nghìn doanh nghiệp, như vậy bình quân mỗi tháng có hơn 20 nghìn doanh nghiệp rời “cuộc chơi”. Vậy nhưng báo cáo thống kê lại thể hiện lao động, việc làm phục hồi tích cực; hay Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 13,9% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%). Điều này có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

Thực ra, tỷ lệ thất nghiệp hay lao động có việc làm theo báo cáo của Tổng cục thống kê được thực hiện theo quy định của Tổ chức Lao động quốc tế, phản ánh đúng bản chất của thị trường lao động chính thức và phi chính thức ở nước ta. Ở nhiều nước hầu như không có lao động phi chính thức, vì họ có chính sách phúc lợi tốt, người mất việc có thể sống bằng trợ cấp để chờ đợi công việc mới, theo đúng trình độ chuyên môn. Trong khi đó, Việt Nam thống kê lao động có việc làm ở cả khu vực phi chính thức. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều người lao động khi mất việc (chính thức) sẽ làm thêm đủ nghề để kiếm sống, từ xe ôm, rửa bát thuê đến trông hàng giúp vợ… Như vậy có nghĩa, trong thời gian qua, tại Việt Nam, lao động ở khu vực chính thức suy giảm, nhưng lao động ở khu vực phi chính thức lại tăng. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động – theo cách thống kê của Việt Nam - tăng không đáng kể.

Ở một góc độ nào đó, việc người dân bươn chải kiếm sống cũng có mặt tích cực, song xét trên khía cạnh khác thì cũng là thực tế đáng lo ngại. Bởi lẽ, trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của thế giới khi tham gia vào chuỗi cung ứng và trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, hay chuyển đổi số.

Với con số thống kê về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tôi cũng có chút băn khoăn. Bởi kinh doanh khó khăn, việc làm giảm thì lấy tiền ở đâu để tăng chi tiêu? Trên thực tế, tổng cầu về tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chi tiêu thường xuyên của nhà nước chỉ tăng 3,02%.

img

Để kích cầu du lịch, cơ quan chức năng cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển ngày càng nhiều hơn tới những điểm đến được thế giới xếp hạng

Cũng có phân tích cho rằng, tiêu dùng tăng một phần nhờ du lịch. Song trên thực tế, năm nay, khách du lịch chủ yếu tập trung ở tầng lớp trung lưu. Mặt khác, khách du lịch có chi tiêu mạnh tay hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Trước đây người ta có thể bỏ ra cả chục triệu cho mỗi chuyến đi. Còn hiện nay, họ có thể chỉ chi khoảng một nửa trong số đó.

Trên thực tế, khu vực dịch vụ được báo cáo tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng ít ỏi của GDP quý này. Tổng cục Thống kê nhìn nhận, khu vực này thể hiện rõ sự phục hồi nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam... Để lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng GDP, theo ông, chúng ta cần làm gì?

Doanh thu dịch vụ của chúng ta phần lớn từ dịch vụ ăn uống (nhà hàng) và lưu trú (khách sạn). Một số dịch vụ giá trị gia tăng cao, ví dụ như tài chính, ngân hàng, công nghệ… cũng tăng, nhưng đóng góp không nhiều.

Nếu muốn thúc đẩy du lịch quốc tế, chúng ta phải có những chính sách cởi mở hơn. Điều dễ thấy nhất là thủ tục về visa. Hiện nay, thời hạn visa vào Việt Nam chỉ giới hạn trong 15 ngày, du khách khó có thể trải nghiệm hết những điểm đến nổi bật của nước ta, mặt khác cũng làm giảm cơ hội cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho họ. Như vậy, để thu hút ngày càng nhiều hơn khách nước ngoài, chúng ta có thể kéo dài hạn visa, rút ngắn thủ tục, tránh gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện... Mà thay đổi này có thể thực hiện rất nhanh chóng, dễ dàng, gần như không phải bỏ ra bất cứ chi phí gì.

Tất nhiên, bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển ngày càng nhiều hơn tới những điểm đến được thế giới xếp hạng.

Căn cơ hơn, vẫn phải là tiếp tục nâng cao đời sống của người dân. Bởi nếu thu nhập của người dân không ổn định, không tăng, thì rất khó để thúc đẩy họ mua sắm hay đi du lịch. Trong khi đó, với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường mà bất cứ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nào cũng thèm muốn.

Khơi thông động lực tăng trưởng

Mặc dù nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đã bác bỏ thông tin rút khỏi Việt Nam, song trên thực tế, tổng vốn ngoại đổ vào nền kinh tế tính từ đầu năm tới nay đã giảm 38,8% – một mức giảm khá sâu. Ông có lo ngại về nguy cơ dịch chuyển dòng vốn ngoại?

img

Dòng vốn FDI vào Việt Nam về lâu dài vẫn ổn định

Vốn FDI suy giảm là điều tất yếu vì kinh tế toàn cầu suy giảm. Mặt khác, chính sách lãi suất của Mỹ khiến giá trị của đồng đô la tăng rất mạnh, dòng vốn có xu hướng “chảy” trở lại thị trường này.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, dòng vốn FDI vào Việt Nam về lâu dài vẫn ổn định. Bởi vì chúng ta có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài: Hệ thống chính trị ổn định; vị trí địa lý, môi trường kinh doanh thuận lợi; thị trường quy mô lớn; lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ…

Một dẫn chứng điển hình là cuối năm 2022, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã lựa chọn tỉnh Bình Dương của Việt Nam là nơi đặt nhà máy sản xuất thứ 6 trên toàn cầu. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 44 ha, tổng vốn hơn 1,3 tỷ USD; dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới…

Ở chiều ngược lại, vốn đầu tư khu vực Nhà nước quý I vẫn tăng 18,11% cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm. Theo ông, chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh khơi thông vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Năm nay, đầu tư công vẫn được xem là động lực, cứu cánh cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngay từ đầu năm đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm nỗ lực giải ngân 95% trong số 711,7 nghìn tỷ đồng tổng vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2023.

Cũng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động này, mới đây nhất, ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng đã có Công điện số 194/CĐ-TTg, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Đây là những tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ cần có chính sách về tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, nhân lúc này, chúng ta nên nghiên cứu, áp dụng chính sách tài khoá ngược chu kỳ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là lúc doanh nghiệp hoạt động tốt thì cứ thu cho đủ, còn khi khó khăn như bây giờ, thì phải chi ra để hỗ trợ doanh nghiệp hay khu vực sản xuất.

Trên thực tế, chúng ta đã phân bổ ngân sách để phục vụ cho kế hoạch này, điển hình như các gói vay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ, vay vốn rất thấp, tức là chúng ta có tiền nhưng cũng không tiêu được! Vậy thì chúng ta phải rà soát lại xem vướng ở đâu để tháo gỡ chứ không thể để tình trạng một bên (Nhà nước - PV) đã sẵn nguồn lực, bên kia (doanh nghiệp - PV) thiếu, đói vốn mà không cách nào tiếp cận được!

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.