Tạm dừng đấu giá 2 mỏ cát "khủng" để dự trữ phục vụ dự án đầu tư công
Thực trạng lo ngại của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông tại Quảng Ngãi ở thời điểm này về nguồn cát phục vụ thi công là có cơ sở. Bởi, hiện tại toàn tỉnh này chỉ còn 3 mỏ cát với trữ lượng nhỏ đang khai thác.
Số còn lại đang chờ thủ tục, và nhanh nhất cũng mất từ 3 đến 6 tháng, thậm chí sang năm 2024 các mỏ cát mới đi vào hoạt động.
Nguồn cát phục vụ thi công các dự án trọng điểm rơi vào tình trạng "khan hàng" khiến nhà thầu, chủ đầu tư lo ngại.
Trước nỗi lo của doanh nghiệp, chủ đầu tư, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết, hiện tại nguồn tài nguyên cát của tỉnh rất dồi dào. Tuy vậy, lo lắng của nhà thầu, chủ đầu tư về nguồn cung cấp cát cho các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách là có cơ sở.
Ông Trung cho rằng, việc lập dự toán các dự án để mua lại cát của các chủ mỏ trúng đấu giá sẽ khó khăn hơn nhiều so với mỏ cấp chỉ định trước đây. Do đó, cần tính toán để đảm bảo cho công tác lập dự toán các công trình sử dụng vốn ngân sách, tránh việc các dự án đầu tư công “bị động” nguồn vật liệu cát trong quá trình thi công.
Ngành TN&MT Quảng Ngãi cho rằng, đã dự trữ 2 mỏ cát có trữ lượng khủng để sẵn sàng phục vụ những công trình hạ tầng trọng điểm khi thi công.
Cũng theo ông Trung, để đảm bảo nguồn cát phục vụ những dự án giao thông trọng điểm sử dụng vốn ngân sách với khối lượng hàng trăm nghìn m3, ngành đã tính toán khi tham mưu UBND tỉnh tạm dừng việc tổ chức bán đấu giá 2 mỏ cát trên sông Vệ để dành tài nguyên cho các công trình hạ tầng trọng điểm.
Theo đó, bãi cát dọc theo sông Vệ có trữ lượng từ 400- 500 nghìn m3 là nguồn cát dự phòng phục vụ những công trình cấp bách mà nhà thầu không thương lượng được với chủ mỏ. Từ đây, chúng ta có thể dễ dàng chủ động nguồn nguyên liệu thi công.
Cần tính toán cơ chế quản lý
Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi cho rằng đã chủ động được nguồn cát phục vụ thi công các dự án đầu tư công, song việc lập hồ sơ và ra mỏ để khai thác theo hình thức như thế nào đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Thêm một điểm đáng lo ngại nữa là nếu Quảng Ngãi cấp phép khai thác mỏ cát theo hình thức chỉ định phục vụ các dự án đầu tư công thì việc quản lý khai thác sẽ như thế nào. Khi đã cho phép triển khai thì cơ quan nào sẽ quản lý việc khai thác cát của nhà thầu?.
Nhiều cán bộ các sở ngành tại Quảng Ngãi cho rằng, khi áp dụng vào thực tiễn, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách sẽ phải theo dõi, giám sát nhà thầu trong quá trình khai thác thi công dự án.
Tuy nhiên, lãnh đạo một đơn vị quản lý nhiều dự án đầu tư công trăn trở: "Việc này có đúng quy định khi mà chức năng, nhiệm vụ của các chủ đầu tư là quản lý dự án chứ không có chức năng quản lý khai thác tài nguyên. Đồng thời, chuyên môn, nhiệm vụ cũng không đảm bảo để tính toán trữ lượng, kiểm tra mốc giới cấp phép. Nếu giao cho chủ đầu tư thì rất khó".
Cũng theo người này, việc quản lý nhà thầu khai thác cát cần xác định rõ cơ quan nào quản lý và phương cách quản lý như thế nào để tránh tình trạng nhà thầu lợi dụng giấy phép khai thác cát phục vụ dự án để đào cát bán ra ngoài. Khi đó, nếu không xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cụ thể thì sẽ rất phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Trung đặt vấn đề: "Có một dự án cần nhu cầu cát khoảng 50.000m3 để thi công công trình, nhưng liệu chủ đầu tư có kiểm soát được nhà thầu khai thác trữ lương cát đúng như giấy phép được cấp hay không, hay là nhà thầu khai thác 100 nghìn m3, thậm chí nhiều hơn. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng thất thoát tài nguyên. Đây là vấn đề ngành TN&MT và các bên liên quan sẽ cân nhắc và tìm giải pháp xử lý phù hợp".
Một vấn đề phát sinh trong trường hợp sử dụng các mỏ cát dự trữ là đơn vị nào sẽ quản lý nhà thầu khai thác tránh tình trạng lợi dụng giấy phép khai thác bán ra ngoài gây thất thoát tài nguyên.
Thêm một vấn đề mà các chủ đầu tư, nhà thầu lo lắng là dù ngành TN&MT Quảng Ngãi khẳng định đảm bảo nguồn cung cát phục vụ khi đã “dự trữ” cát trên sông Vệ, đó là việc triển khai một dự án trên địa bàn huyện Bình Sơn, KKT Dung Quất thì chi phí vận chuyển sẽ đội lên rất lớn, thậm chí vượt cả dự toán mà chủ đầu tư đã lập do cự ly di chuyển từ mỏ cát đến chân công trình quá xa. Do đó, cần phải cân nhắc việc tạo nguồn cát dự trữ cho dự án đầu tư công.
Như Báo Giao thông có bài phản ảnh, tỉnh Quảng Ngãi vừa hoàn tất việc tổ chức bán đấu giá 11 mỏ cát với trữ lượng khoảng 4 triệu m3 (chủ yếu trên sông Trà Khúc).
Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các mỏ cát thương mại và chỉ định trên địa bàn tỉnh này đã đóng cửa mỏ, số lượng mỏ cát đang khai thác trữ lượng quá ít đã khiến nhà thầu, chủ đầu tư các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách lo ngại thiếu nguồn cung cát phục vụ thi công các dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận