Chuyển đổi số vì sự hài lòng của người dân
Ít ai ngờ, Bến xe trung tâm thành phố Hoà Bình, một bến xe loại 4 với cơ sở hạ tầng đã cũ mà lại có đến trên 80% các hoạt động sử dụng ứng dụng công nghệ số.
Chỉ với 3 - 4 người/ca làm việc mà tất cả các hoạt động từ bán vé, xếp xe, cấp lệnh vận chuyển, điều độ, thu phí… được thực hiện một cách trơn tru. Khách đến bến hài lòng, nhà xe vui vẻ hoà nhã.
Chỉ với 25 cán bộ, nhân viên, đơn vị Bến xe khách Trung tâm đã điều hành hoạt động hiệu quả 2 bến xe ở TP Hoà Bình, 1 bến cảng du lịch ở lòng hồ Hoà Bình.
Ông Nguyễn Trung Dung, Giám đốc Bến xe khách Trung tâm (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: Bình quân, mỗi ngày bến phục vụ cho trên 300 lượt xe xuất bến, với trên 2.000 lượt khách mỗi ngày (xe khách nội tỉnh, liên tỉnh là 80 lượt, còn lại là các tuyến xe buýt).
Tổng số cán bộ nhân viên của đơn vị chỉ có 30 người (5 người làm công tác dịch vụ và bảo vệ).
Trong khi đó, đơn vị phải vận hành 2 bến xe là bến xe Trung tâm và bến xe Chăm Mát.
Ngoài ra, từ tháng 12/2023, đơn vị được Sở giao thêm nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác Cảng du lịch Thung Nai (hồ Hoà Bình, huyện Cao Phong).
“Chỉ với 25 người chia 3 nơi, làm việc 3 ca/ngày thì tính ra mỗi ca chỉ bố trí được 3 người.
Nếu không có công nghệ, phần mềm quản lý chúng tôi không thể làm nổi”, ông Dung nói và cho biết: "Các công nghệ đơn vị đang sử dụng gồm, phần mềm tiếp nhận văn bản, phản hồi văn bản của Sở GTVT, văn thư lưu trữ, tài chính, tài vụ, thuế, bảo hiểm, xuất hoá đơn điện tử, trả lương tự động qua ngân hàng, chữ ký số… do đối tác là Vinaphone và Viettel cung cấp.
Công tác điều vận tại bến được điều hành theo phần mền quản lý bến xe của Công ty Sơn Phát cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam.
Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện ký lệnh điện tử, tuy nhiên hiện nay do chưa có quy định, nên mới chỉ có 2/35 doanh nghiệp thực hiện theo hình thức này”.
Tương tự, tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Hoà Bình, lượng xe đến trung tâm để làm kiểm định bình quân từ 40 - 50 xe/ngày.
Dù đông xe, nhưng ở đây không bao giờ xảy ra ùn tắc, mất an ninh trật tự.
Tất cả nhờ vào việc trung tâm này sớm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng quy trình làm việc riêng cho từng bộ phận.
Ông Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc phụ trách trung tâm cho biết: “Trung tâm trực thuộc Sở GTVT Hoà Bình và bây giờ các đơn vị cấp 2 của Sở mới bắt đầu thực hiện chuyển đổi số.
Tuy nhiên, đặc thù của lĩnh vực đăng kiểm là thực hiện theo quy trình, quy chuẩn quốc gia, nên các vấn đề về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được đơn vị làm từ sớm.
“Có thể khẳng định Trung tâm đăng kiểm là một trong những đơn vị đầu tiên và đang đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động.
Đến nay, đã có trên 90% các hoạt động tại trung tâm được số hoá” - ông Hùng nhấn mạnh.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hùng dẫn phóng viên đi thăm quan một vòng, rồi lần lượt nêu ví dụ.
Như việc đăng ký thời gian kiểm định phương định, người dân không nhất thiết phải đến trung tâm xếp hàng mà có thể sử dụng điện thoại đăng ký, hoặc dùng ứng dụng mạng.
Khi khách hàng đưa phương tiện tới trung tâm, gần như khách hàng không phải làm bất cứ công việc gì ngoài xuất trình các loại giấy tờ, nộp các khoản phí và lệ phí.
Các công đoạn như tiếp nhận hồ sơ, nhập thông tin, tra cứu lịch sử thông tin phương tiện, thông số kỹ thuật, chuyển hồ sơ… đều được các nhân viên tại trung tâm đảm nhận và thao tác trên hệ thống đăng kiểm và các phần mềm nội bộ.
Đặc biệt, những thông tin này được kết nối liên thông tới cơ sở dữ liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam.
Các công đoạn cũng được giám sát thông qua 2 hệ thống camera: một của trung tâm và một theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đảm bảo mọi thứ đều công khai, minh bạch.
Xây dựng chính quyền 3 tiêu chí
Câu chuyện ở các đơn vị ngành giao thông vận tải Hoà Bình chỉ là một trong vô số những thành quả mà việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mang lại.
Tại tỉnh Hoà Bình, hiện nay, công tác chuyển đổi số đang được tỉnh này triển khai một cách sâu rộng và mạnh mẽ tới tất cả các đơn vị, vị trí công tác trong bộ máy chính quyền.
Từ năm 2022, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, kèm theo đó là 102 quyết định, kế hoạch để chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
Tỉnh Hoà Bình cũng đã xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hoà Bình phiên bản 2.0 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Xây dựng xong Kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Hòa Bình; Thường xuyên cập nhật các công nghệ lưu trữ mới, như: Cloud Computing, trí tuệ nhân tạo AI, Big Data để lựa chọn các giải pháp xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác quản lý nhà nước và vận hành hiệu quả hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, ban hành mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền. Thông qua Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin thành một tiêu chí thi đua trong cải cách hành chính, để các đơn vị đẩy mạnh thực hiện và đánh giá thực trạng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc triển khai chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước; tích cực đầu tư hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Theo Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hoà Bình, tỉnh đang triển khai hiệu quả chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tính đến tháng 7/2024, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Hoà Bình được Bộ Thông tin và truyền thông xếp hạng 10/63 tỉnh thành.
Xếp hạng 15 cả nước về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin so với các tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm trước - Báo cáo Việt Nam ICT Index năm 2022)
Hiện nay, Sở này đang tham mưu UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm thành lập Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Hoà Bình đến hết năm 2025; Duy trì Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC): Trung tâm IOC cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với 9 nội dung: phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Một lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cho biết: "Đảng bộ và các cấp chính quyền ở Hoà Bình đang nỗ lực xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển bền vững, theo hướng văn minh, hiện đại.
Điều đó được cụ thể hoá thông qua hàng loạt các công tác đang được tỉnh, các cấp chính quyền đồng loạt triển khai như: công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; phát huy hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện; tích cực cải thiện môi trường đầu tư; các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).
Hoà Bình cũng định hướng xuyên suốt các cấp thực hiện đúng phương châm “phục vụ, kiến tạo, hành động”. Xây dựng hình ảnh đẹp về bộ máy chính quyền, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và hết lòng phục vụ nhân dân".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận