Thông tin doanh nghiệp

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT Thanh Hóa

19/12/2022, 11:27

Ngành GTVT Thanh Hóa từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông trong việc thực hiện "số hóa" trên lĩnh vực quản lý.

Ngành GTVT Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông trong việc thực hiện "số hóa" trên lĩnh vực quản lý.

img

Ngành GTVT Thanh Hóa đẩy mạnh áp dụng công nghệ, thủ tục hành chính trên nền tảng internet trong chuyển đổi số

"Số hóa" trên môi trường điện tử

Ông Phạm Hoài Nam - Chánh văn phòng Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của Sở GTVT đã thực hiện ký số văn bản, tạo lập hồ sơ điện tử và xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. 100% văn bản, hồ sơ công việc của Sở GTVT được trao đổi, tạo lập, xử lý và ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có nội dung thuộc mật nhà nước theo quy định).

Cụ thể, theo ông Nam, Sở đang áp dụng hệ thống phòng họp trực tuyến Grandstream GVC3202 (đảm bảo kết nối với hầu hết các điểm cầu hiện nay). Ngoài ra, các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trức tuyến được Sở triển khai, đang cung cấp 51/135 dịch vụ công trực tuyến (17 dịch vụ công mức độ 3; 34 dịch vụ công mức độ 4). Từ ngày 27/9/2021, Sở GTVT Thanh Hóa thử nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi Giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến về lĩnh vực quản lý vận tải - Bộ GGTVT cấp (đổi) đổi phù hiệu, biển hiệu xe ô tô; Cấp (đổi) giấy phép kinh doanh vận tải; Đăng ký khai thác tuyến.

img

Việc áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số giúp các lực lượng chức năng sớm phát hiện và xử các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông

Tìm hiểu được biết, hiện nay, Sở GTVT Thanh Hóa quán triệt chuyển đổi số đến từng cán bộ, phòng ban chuyên môn. Đơn cử như trong lĩnh vực quản lý hạ tầng giao thông thực hiện áp dụng phần mềm quản lý cầu trung ương và địa phương, phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về cầu, đường bộ trên địa bàn tỉnh. Đây là phần mềm do Bộ GTVT triển khai, dữ liệu tập trung tại Tổng cục ĐBVN, chủ yếu áp dụng đối với hệ thống cầu trên các tuyến Quốc lộ.

Áp dụng hệ thống Govone trong công tác duy tu bảo dưỡng công trình đường bộ, giúp quản lý giám sát tập trung, trực tuyến, khách quan công tác hiện trường cũng như kết quả tuần đường, tuần kiểm, sửa chữa, bảo trì đường bộ. Góp phần vào lộ trình triển khai và hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh và chuyển đổi số ngành GTVT.

"Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông tại Sở GTVT còn hạn chế, công tác quản lý, bảo vệ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu được thực hiện theo hình thức báo cáo định kỳ, thủ công, chưa có cái nhìn trực quan, thời gian thực trên nền bản đồ số nên các thông tin phản ánh không được đầy đủ, kịp thời khi cần báo cáo, theo dõi; cơ bản hệ thống hạ tầng đã được số hóa nhưng dữ liệu thu thập chưa phải là thiết bị chuyên dụng, độ chính xác chưa cao, tính chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp con nhiều hạn chế, khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Sở, việc tham mưu của các phòng, ban chức năng", ông Nam cho biết thêm.

img

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thanh Hóa

Hay như trong lĩnh vực Quản lý vận tải, Sở sử dụng hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý vận tải bằng xe ô tô, trên cơ sở kết quả phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu giám sát hành trình đã kịp thời có các biện pháp xử lý, chấn chỉnh đối với xe ô tô vi phạm. Phần mềm quản lý bến xe khách sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến bến xe khách trong toàn tỉnh, giúp Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT giám sát quá trình hoạt động của bến.

Ngành GTVT Thanh Hóa cũng đã triển khai việc lắp đặt camera giám sát trên các ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông để cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Đẩy nhanh việc dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo sự minh bạch trong quá trình thu phí; hạn chế tối đa việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng phương pháp thủ công, tại các trạm thu phí đã vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Ở lĩnh vực Quản lý phương tiện người lái, Sở GTVT tiển khai thực hiện những quy định mới của Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ GTVT giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát được thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của các cơ sở đào tạo và học viên. Cơ sở đào tạo lái xe thực hiện giám sát bằng hệ thống camera bao gồm cả phòng học lý thuyết và sân thực hành; camera giám sát được truyền dữ liệu về Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ. Các camera này được bố trí ở phòng thi lý thuyết và sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch theo đúng quy định. Dữ liệu được kết nối trực tuyến với hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu. Hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng người học, kiểm tra học viên bằng thẻ từ.

img

Trang tin điện tử của Sở GTVT Thanh Hóa luôn cập nhật các thông tin, phản hồi của người dân và doanh nghiệp

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chuyển đổi số

Ông Phạm Hoài Nam cũng cho biết, trang thông tin điện tử của Sở GTVT được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đúng các quy định của pháp luật; phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Sở và nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động của ngành giao thông vận tải cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan. Hệ thống phản hồi Thanh Hóa đã hỗ trợ tốt việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên nền tảng internet, là kênh tương tác giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan chức năng về các vấn đề phát sinh cần giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đời sống dân sinh và sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Khiên - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng: Để góp phần trong việc hoàn thiện chuyển đổi số, trước hết phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp, phát triển chính phủ số, kinh tế số trong ngành GTVT. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, tổ chức.

Song hành với đó, các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ cho hệ thống giao thông thông minh được bảo đảm đầu tư đồng bộ trong các dự án xây dựng về kết cấu hạ tầng giao thông. Ứng dụng nền tảng công nghệ Io trong quản lý, vận hành các thiết bị đầu, cuối của hệ thống giao thông thông minh để hướng tới khả năng hỗ trợ điều khiển và tự động hóa từ xa trên môi trường mạng máy tính.

Mặt khác, phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên dùng để hình thành nên hệ sinh thái trong giao thông thông minh. Ứng dụng các nền tảng công nghệ thanh toán điện tử hiện đại vào hoạt động thu phí để tăng cường sự thông suốt, ATGT như: thu phí điện tử không dừng đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát thẻ vé, thu phí liên thông trong mạng lưới giao thông công cộng; quản lý thu phí tự động tại các bãi đỗ xe; thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển…

Cũng theo ông Khiên, Sở GTVT Thanh Hóa cũng đã xác định cụ thể mục tiêu, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm chủ trì và phối hợp để đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ của ngành GTVT trong chuyển đổi số năm 2022 và các năm tiếp theo đáp ứng các chỉ tiêu được TW và Tỉnh đề ra.

Các nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả; đầu tư trọng tâm trọng điểm; cải cách mạnh mẽ các quy trình nội bộ nhằm giảm thời gian, giải phóng nhân lực, đáp ứng kịp thời thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn mới; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ số với cải cách hành chính; kế thừa giữa dữ liệu và ứng dụng hiện có với phát triển dữ liệu và ứng dụng mới, giữa cơ quan chuyên ngành cấp trên với địa phương nhằm tránh lãng phí trong đầu tư; thay đổi lề lối, cách thức làm việc từ môi trường truyền thống sang sử dụng các ứng dụng trực tuyến.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng các CSDL, phần mềm quản lý phương tiện, quản lý hoạt động giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực quản lý giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, tăng cường giám sát TTATGT, đảm bảo kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực giao thông...

Được biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi. Nhiều chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình: Năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.