Đường bộ

Đẩy nhanh bàn giao quốc lộ cho địa phương quản lý

19/01/2025, 11:53

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân cấp quản lý quốc lộ theo quy định tại Luật Đường bộ năm 2024.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Đường bộ VN đề nghị triển khai các công việc thực để đẩy nhanh tiến độ hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho UBND các tỉnh, thành phố quản lý.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có văn bản giao cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải trực thuộc (Sở GTVT) thay mặt UBND cấp tỉnh phối hợp với Cục Đường bộ VN rà soát, kiểm đếm, trên cơ sở đó lập biên bản thống nhất về danh sách, chiều dài, lý trình các tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Đẩy nhanh bàn giao quốc lộ cho địa phương quản lý- Ảnh 1.

Một đoạn QL14 qua tỉnh Đắk Lắk

Rà soát các công trình, hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với quốc lộ được phân cấp như nhà hạt quản lý đường bộ, công trình kiểm soát tải trọng xe, đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và các hạng mục khác.

Trên cơ sở đó, đề nghị UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT về việc phân cấp, bàn giao quản lý quốc lộ, đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ trên địa bàn để Bộ GTVT triển khai các thủ tục theo quy định.

Đối với quốc lộ đi qua đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đề nghị UBND hai thành phố này có ý kiến về thời điểm bàn giao các đoạn tuyến quốc lộ, đường cao tốc đi qua đô thị loại đặc biệt.

Trong đó lưu ý việc quản lý đối với đoạn tuyến quốc lộ, đoạn tuyến đường cao tốc do doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, việc bàn giao phải phù hợp quy định pháp luật.

Bộ GTVT cũng giao Cục Đường bộ VN chỉ đạo, đôn đốc các Khu Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở GTVT khẩn trương thực hiện. Trường hợp cần thiết, Cục Đường bộ VN chủ động phối hợp với UBND cấp tỉnh hoàn thiện các thủ tục phân cấp, bàn giao quản lý quốc lộ, đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Đường bộ VN cho biết, đơn vị đã triển khai công tác chuẩn bị để đảm bảo việc thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ ngay sau khi Nghị định thi hành Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành.

Dự kiến, sau khi phân cấp, Bộ GTVT sẽ chỉ trực tiếp quản lý khoảng 3.650km quốc lộ và đường cao tốc, chiếm khoảng 16% tổng số chiều dài quốc lộ; phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý khoảng 19.000km chiếm khoảng 84% tổng số chiều dài quốc lộ.

Nghị định 165/2024 hướng dẫn một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định: Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý quốc lộ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các công trình, hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với quốc lộ được phân cấp; các công trình cầu, hầm, bến phà nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các quốc lộ không phân cấp, bao gồm: Đường cao tốc do Bộ GTVT quản lý; QL1, đường Hồ Chí Minh để kết nối các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ khác theo chiều dọc đất nước; quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ Nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Sau khi được phân cấp, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt; quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.