Bên cạnh đó, 8 dự án ODA giao thông khác mới được Quốc hội bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 cũng đang được gấp rút chuẩn bị đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án lớn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng QLDA1 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được chia thành hai gói thầu xây lắp, thời gian hoàn thành hợp đồng 28 tháng. Đến nay, sau 10 tháng thi công, gói số 1 (đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế) đã hoàn thành 297 cọc khoan nhồi, 18 mố, trụ cầu; 18 bệ trụ; 16 thân trụ, 118 dầm Super T,… với giá trị sản lượng gần 180 tỷ đồng (14,27%). Trong khi đó, tại gói thầu số 2 (đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long), các nhà thầu đã thi công được 410 cọc khoan nhồi, 26 trụ, mố cầu; 22 bệ trụ,… Đạt 21,23% giá trị sản lượng hơn 221 tỷ đồng.
Đánh giá tiến độ dự án đang đảm bảo theo yêu cầu, ông Tú nói: “Ban QLDA Thăng Long đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tập trung tối đa mọi nguồn lực, huy động máy móc thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ thi công, để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ vào quý 4/2020 theo yêu cầu của hợp đồng”.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ cũng đang bước vào giai đoạn thi công nước rút để chuẩn bị thông xe vào cuối năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án có chiều dài 2,36km, tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, gồm: Vốn vay từ EDCF hơn 970 tỷ đồng và hơn 187 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo ông Lâm, dự án được phát lệnh khởi công đầu năm 2018, thời gian hoàn thành hợp đồng 27 tháng. Hiện nay, các nhà thầu đã thi công xong toàn bộ phần thân, bệ trụ cầu; 5/16 dầm super-T; phần đường của dự án đang triển khai công tác gia tải nền đất yếu. “Sản lượng thi công của toàn dự án đến nay đạt khoảng 55%. Theo hợp đồng, dự án sẽ kết thúc vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, thông xe đưa cầu Thịnh Long vào khai thác cuối năm 2019, rút ngắn tiến độ khoảng 3 tháng“, ông Lâm chia sẻ.
Tại khu vực phía Nam, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối Đồng Tháp và TP Cần Thơ (TMĐT: Khoảng 7.000 tỷ đồng) cũng sắp hoàn thành. Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành 99,1% khối lượng và sẽ hoàn tất trong cuối tháng 3, dự kiến thông xe tháng 6/2019.
Thêm 8 dự án ODA giao thông chuẩn bị đầu tư xây dựng
Về kế hoạch bố trí vốn cho 8 dự án ODA mới được Quốc hội bổ sung kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT đề xuất sử dụng 10% dự phòng trung hạn của Bộ GTVT để bố trí cho 8 dự án này với số vốn nước ngoài (ODA) là 2.523 tỷ đồng; vốn đối ứng là 101,93 tỷ đồng.
Theo đại diện Vụ KH-ĐT Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị đầu tư 8 dự án ODA mới được Quốc hội bổ sung kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 gồm: Nâng cấp QL19; dự án thành phần 1A thuộc đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, Vành đai 3 - TP HCM; Dự án tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 1; Dự án tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 2,…
Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA2 cho biết, dự án nâng cấp QL19 được Chính phủ Úc tài trợ toàn bộ kinh phí thiết kế kỹ thuật và đang tiến hành tuyển chọn tư vấn. “Dự kiến trong tháng 4/2019, công tác tuyển chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật cho dự án sẽ hoàn thành. Đến cuối năm 2019 sẽ tiến hành tuyển chọn nhà thầu xây lắp để triển khai thi công dự án trong năm 2020”, ông Sơn nói.
Đối với các dự án thành phần 1A thuộc đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, Vành đai 3 - TP HCM; Dự án tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 1 và dự án cải tạo đèo Khe Nét (Km414 - Km423) tuyến đường sắt Thống Nhất sử dụng vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, dự thảo hiệp định vay của các dự án đã được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và đang đàm phán với EDCF. Dự kiến hiệp định vay sẽ được ký kết trong tháng 5/2019 (hiệu lực tháng 8/2019) để triển khai các bước tiếp theo.
Một dự án ODA khác cũng đang chuẩn bị đầu tư từ nguồn vốn vay EDCF là dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Km358+000 - Km369+620) tuyến đường sắt Thống Nhất, Bộ GTVT đang lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về việc sử dụng khoản vay với điều kiện ràng buộc của EDCF cho dự án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Dự kiến ký hiệp định khoản vay vào quý I/2020 để triển khai các bước tiếp theo.
Liên quan đến dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư, Bộ Tài chính đã đàm phán hiệp định vay. Chính phủ đang trình Chủ tịch nước cho phép ký hiệp định vay, dự kiến ký hiệp định vay trong quý I/2019 để triển khai các bước tiếp theo.
Với dự án tuyến tránh Long Xuyên vay vốn ADB, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, sớm hoàn thiện thủ tục gửi ADB để điều chỉnh hiệp định vay, dự kiến ký hiệp định khoản vay vào quý 2/2019 để triển khai các bước tiếp theo…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận