Đua tiến độ trên công trình trọng điểm
Ngày 14/9, dưới trời mưa nặng hạt nhưng đoàn liên ngành UBND TP Hòa Bình, Ban QLDA 6 và nhà thầu Công ty 1/5 vẫn ra hiện trường làm thủ tục bàn giao công trình cầu vượt ngang quốc lộ 6. Sau khi các bên thống nhất và ký vào biên bản, Ban điều hành dự án lập tức yêu cầu nhà thầu đưa máy móc đến thi công.
Ông Vũ Trọng Huấn - Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 6) cho biết: "Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 (đoạn tránh TP Hòa Bình) là dự án trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với tỉnh Hòa Bình.
Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực lưu thông trên tuyến, xóa đi điểm nghẽn hạ tầng giao thông ở cửa ngõ phía Đông Nam TP Hòa Bình. Dự án được triển khai từ tháng 3/2023, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng mặt bằng ở nhiều vị trí, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thi công".
Như vị trí cầu vượt ngang, đây là một trong những điểm nằm trên đường găng tiến độ (cải tạo nâng cao độ cầu cũ, làm thêm đơn nguyên mới, thi công đòi hỏi thời gian dài, nếu không làm trước thì sẽ ảnh hưởng tiến độ chung toàn dự án - PV), nên ngay khi địa phương hoàn thành thủ tục, bàn giao là chúng tôi yêu cầu nhà thầu đưa máy vào thi công ngay.
Những vị trí khác như đoạn xử lý nền đất yếu đầu thành phố, 3 cầu: Xóm Rộng, Suối Trong và Mát Trên cũng đang được nhà thầu ưu tiên triển khai.
Dự kiến đến tháng 10, sẽ hoàn thành 3 cầu nêu trên, cùng toàn bộ hệ thống cống hộp, rãnh thoát nước. Tháng 12 hoàn thành xong cầu vượt ngang. Những đoạn còn lại nếu địa phương bàn giao đủ mặt bằng trong tháng 10 này thì đến giữa quý 2 năm sau, chúng tôi sẽ hoàn thành dự án.
Ông Dương Nam Thắng - cán bộ phụ trách mặt bằng dự án, cho biết: "Vấn đề mặt bằng hiện rất nan giải, Ban đã họp, đề nghị liên tục, tỉnh cũng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo nhưng vẫn tắc. Đến nay, sau 6 tháng khởi công, TP Hòa Bình vẫn chưa kiểm kê xong đất, tài sản của người dân. Tổng giải ngân GPMB mới được 0,15/56 tỷ đồng, tập trung ở tiền đo đạc địa chính".
Hiện còn vướng 4 vị trí cột điện trung thế 35Kv, 35 cột hạ thế 0,4Kv; 12 hộ dân chưa di dời do chưa có khu tái định cư. Để dự án không bị chậm tiến độ, chúng tôi mong rằng địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Theo ghi nhận của PV, dù không có mặt bằng, nhưng các nhà thầu đã rất linh hoạt, ngoài việc xắn tay cùng địa phương trong các hoạt động kiểm kê, các nhà thầu còn linh hoạt trong việc vận động người dân bàn giao mặt bằng trước ở một số đoạn, làm trước cầu cống, công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, sản lượng toàn công trường đạt 58/180 tỷ đồng (32% tổng giá trị xây lắp).
Một số nhà thầu như: Công ty TNHH 1.5, Công ty Ngọc Minh UDIC thi công đạt giá trị lớn, riêng Công ty TNHH Trường Thành còn vượt 0,28% kế hoạch. Điều này cho thấy quyết tâm của các nhà thầu, chủ đầu tư trong việc đưa dự án sớm về đích, phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển KT-XH cho địa phương.
Gỡ khó trên các công trường nghìn tỷ
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện triển khai khoảng 50 dự án công trình giao thông. Trong đó có một số dự án lớn, có giá trị nghìn tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư (Ban Giao thông tỉnh).
Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km 19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình). Hiện nay, dự án đã được HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 32,5km từ địa phận thị trấn Đà Bắc (khoảng Km19+00) đến địa phận xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) với tổng mức đầu tư khoảng 9.777 tỷ đồng.
Tiếp đó là tuyến đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng mức đầu tư khoảng 4.120 tỷ đồng. Đây là tuyến đường kết nối các huyện thành phố như: Huyện Kim Bôi, Lương Sơn, thành phố Hoà Bình và huyện Đà Bắc, đồng thời kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.
Một dự án khác cũng vừa khởi công xây dựng, đó là dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) với số vốn gần 1.000 tỷ đồng, quy mô khoảng 7,61km đường đô thị trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn.
Sau khi hoàn thành, các tuyến đường này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có của các địa phương.
Ngoài ra, dự án nối đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ với quốc lộ 6 được đầu tư khoảng 600 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư (giao cho Ban Giao thông tỉnh quản lý) , với quy mô khoảng 4,63km đường đô thị đang được triển khai, góp phần mở rộng không gian, phát triển đô thị cho TP Hòa Bình.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết: "Quá trình triển khai các dự án được sự ủng hộ cao của chính quyền địa phương và nhân dân nơi dự án đi qua.
Dự án được các bên tích cực triển khai, tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm, cộng với việc khan hiếm nguồn đất đắp. Ban QLDA cũng đã có những đề xuất lên UBND tỉnh để có phương án giải quyết.
Đối với nguồn đất đắp, hiện thủ tục cấp phép mỏ để phục vụ cho dự án đang trong giai đoạn chờ phê duyệt".
Ngày 6/9, tại cuộc họp về tiến độ công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư các dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Quách Tất Liêm đã có chỉ đạo để nhanh chóng giải quyết những vấn đề trên.
Theo đó, đối với dự án dường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục công tác chuyển mục đích sử dụng rừng chuyên mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác đảm bảo thời gian theo yêu cầu.
Đối với dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với quốc lộ 6, giao UBND TP Hòa Bình chủ trì phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các hộ tại địa bàn.
Yêu cầu Ban Giao thông tỉnh khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đối với đoạn tuyến khoảng 200m (đầu tuyến) cho UBND TP Hòa Bình làm cơ sở tổ chức thực hiện, công tác bồi thường GPMB theo quy định.
Đối với đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), yêu cầu Ban Giao thông tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Lương Sơn và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đáp ứng tiến độ chung của dự án.
Về vấn đề đất đắp các dự án, yêu cầu các sở, ban ngành khẩn trương phối hợp với chính quyền các cấp, sớm hoàn thiện các thủ tục có liên quan để khai thác đất đắp phục vụ thi công, công trình và điều chỉnh dự án theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận