Kinh tế

Hòa Bình nâng cấp hệ thống giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

20/08/2023, 17:55

Tỉnh Hòa Bình nỗ lực phát triển kinh tế sau đại dịch và vai trò của ngành giao thông vận tải trong phát triển kinh tế xã hội.

Bức tranh kinh tế phục hồi sau đại dịch

Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thời điểm kinh tế chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi sau đại dịch Covid-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục khởi sắc.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 0,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cao nhất là ngành dịch vụ tăng 3,59%. Trong ngành Thương mại, dịch vụ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 30.999 tỷ đồng, tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng thời điểm, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,79%; kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ, đạt 47,41% so với cùng kỳ năm trước.

img

Kinh tế tỉnh Hòa Bình vẫn không ngừng phát triển sau đại dịch. Ảnh: Anh Tâm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến hết ngày 30/6/2023 đạt 1.890,7 tỷ đồng; tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 43.419 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó việc phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, thu hút đầu tư được chính quyền tỉnh Hòa Bình rất quan tâm. 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 213 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.222,6 tỷ đồng; 35 hợp tác xã thành lập mới, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái; có 21 dự án trong nước được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký là khoảng 9.339 tỷ đồng và toàn tỉnh có 736 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách tổng vốn đăng ký trên 203.159 tỷ đồng.

Qua đó, nhờ sự phát triển và sự đa dạng trong các ngành nghề đã giải quyết vấn đề việc làm cho kết quả rất cao. Có đến 707 lao động có việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dẫn đến tổng số người tham gia Bảo hiểm y tế là 777.730 người, đạt 88,39% dân số toàn tỉnh.

Song hành với phát triển kinh tế xã hội là quá trình đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, nửa năm vừa qua đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6% (vượt 33% so với kế hoạch năm) cho thấy sự chung tay của cả xã hội trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.

img

Dự án đường 600 tỷ đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với Quốc lộ 6. (Ảnh: Anh Tâm)

Đạt được kết quả trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trong của việc đầu tư phát triển, xây dựng ngành giao thông, vận tải.

Trong năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách Nhà nước là 10.220 tỷ đồng; đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 5.570 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch vốn; số tiền giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/6 là 923.996 tỷ đồng.

Tại báo cáo 6 tháng đầu năm, 1 trong 4 đột phá chiến lược được tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời, thường xuyên quan tâm, lãnh đạo việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (trị giá hơn 4.000 tỷ đồng); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với Quốc lộ 6 (trị giá hơn 600 tỷ đồng); các công trình đê ngăn lũ kết hợp giao thông; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn EVN đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Trong đó, đầu năm nay tỉnh Hòa Bình đã nhận bàn giao 2 dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội gồm: dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình với tổng giá trị hơn 2.700 tỷ đồng. Đồng thời, được phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 12B với tổng mức đầu tư 2.168 tỷ đồng; dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai - Hà Nội (giai đoạn 1) với số vốn gần 1.000 tỉ đồng.

Những nỗ lực không mệt mỏi của ngành GTVT Hòa Bình

Theo ông Bùi Đức Hậu - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm qua, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo điều hành và ban hành một số văn bản trong lĩnh vực giao thông vận tải điển hình tại các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; rà soát tham gia ý kiến lập quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có tích hợp các Quy hoạch trong lĩnh vực GTVT.

Trong hoạt động vận tải trên cả đường bộ và đường thủy, công tác quản lý được đảm bảo chặt chẽ; tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. Đặc biệt là quán triệt các đơn vị, doanh nghiệp bố trí phương tiện để phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Về phía quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình thực hiện đảm bảo đúng quy định công tác cấp, đổi Giấy phép lái xe; công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe thực hiện đúng nội dung, chương trình, chất lượng không ngừng được nâng cao.

Trong 6 tháng, các đơn vị trên toàn tỉnh đã đào tạo 1221 học viên, cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1cho 676 người; đào tạo 2.638 học viên, sát hạch 5232 lượt người và cấp 2.174 Giấy phép lái xe ô tô. Đồng thời, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe các loại là 3.590 chiếc.

Theo số liệu của Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình (tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/4/2023), trên địa bàn đã xảy ra 26 vụ TNGT, làm chết 20 người và bị thương 27 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ, giảm 5 người chết và tăng 11 người bị thương.

Nguyên nhân các vụ TNGT thường do người người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông như: Đi sai làn đường, phần đường, phương tiện không đảm bảo ATKT,…

Hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, số trường hợp vi phạm có xu hướng tăng cao hơn các ngày thường.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, việc thẩm định và nghiệm thu các công trình giao thông được thực hiện khắt khe. Sở cũng tăng cường triển khai thực hiện đối với 4 dự án công trình giao thông được giao làm chủ đầu tư và 41 công trình sửa chữa đường bộ.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). Ảnh: VGP.

Đối với hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Sở đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ quy định và kiện toàn Ban Chỉ huy và Tổ giúp việc Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Sở GTVT tỉnh Hoà Bình. Khi xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy nhanh chống đánh giá nguy hiểm, từ đó đưa ra các phương án kịp thời, đặc biệt xử lý các trường hợp gây ùn tắc giao thông cục bộ.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT; tăng cường quản lý hoạt động vận tải, quản lý phương tiện và người lái; quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng phát triển KCHT giao thông và đặc biệt đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.