Dây tơ mành |
Đây là cây thuốc quý, dạng cây nhỏ, mọc thành bụi. Cành vươn dài đưa vào cây khác, có lông mịn. Lá mọc đối, phiến dài đến 13-14cm, chóp có đuôi, có lông trên cả hai mặt, gân phụ 5-6 cặp, cuống 9mm. Cụm hoa hình chùm mọc ở nách lá phần già của nhánh, cao 4-5cm; cuống dài 1-2cm, có lông trắng. Quả có 3 cánh mỏng, vàng nhạt, cánh giữa thường dài hơn. Thân và lá khi bẻ ra có những sợi mảnh như chỉ.
Thân cành và lá dây tơ mành có vị hơi đắng, chát, tính ôn, có tác dụng ôn thận, ích khí, sát trùng, cầm máu; có thể thu hái thân lá quanh năm, thường dùng tươi hay phơi khô.
Chữa di tinh, cơ thể suy kiệt, ra nhiều mồ hôi, đái rắt, thấp khớp cấp và mạn tính: Lá và thân sắc uống ngày 30-50g sắc uống, trẻ em dùng liều thấp hơn.
Thuốc bó gãy xương: Cành non và lá tơ mành 30-50g, lá dâu tằm 25-30g, tất cả dùng tươi, giã nát, xào nóng, đắp vào chỗ xương rạn hoặc gãy, băng lại.
Thuốc cầm máu vết thương, chữa sâu quảng: Lá dây tơ mành, lá quyển bá, rửa sạch, giã nát, dịt vào vết thương, băng lại. Có thể dùng lá dây tơ mành, phơi khô, đốt thành than, tán bột, rắc.
Chữa lở loét ngoài da: Lá dây tơ mành 20g, lá bạc thau 20g, lá xuyên tiêu 20g, lá trầu không 10g, lá thuốc lào 2g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi đắp ngày 1 lần.
Nguyên trưởng khoa Dược liệu, ĐH Dược Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận