ĐBQH Phạm Văn Hoà - Đồng Tháp |
Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi.
Đề cập đến vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng An ninh, là cơ quan thẩm tra Luật cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Theo đó, Ủy ban TVQH đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Uỷ ban TVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an tỉnh, ông Việt cho biết, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.
Hiện nay bộ máy của Công an tỉnh được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
“Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và ý kiến ĐBQH, Uỷ ban TVQH đã chỉ đạo quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao Uỷ ban TVQH căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý” – ông Võ Trọng Việt cho biết.
Theo đó, Dự thảo quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp quân hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Hà Nội và TPHCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11.
Cơ bản đồng tình với quy định trong dự thảo, song ĐBQH Phạm Văn Hoà - Đồng Tháp băn khoăn một số nội dung.
Trong đó, về cấp hàm tướng, ông Hoà cho rằng số lượng theo quy định như vậy là nhiều. Ông Hoà dẫn chứng ở một số quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng quốc phòng, Công an chỉ là dân sự mà vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành. "Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm, điều đó là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội", ông Hoà nói và đặt vấn đề: "Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không?".
Theo vị ĐB tỉnh Đồng Tháp, hàm Trung tướng có chức vụ Cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều, đề nghị cân nhắc.
Tương tự, theo ông Hoà, quy định hàm Thiếu tướng không quá 11 đối với Giám đốc công an các tỉnh loại 1 như vậy là còn bất cập với các tỉnh, thành phố khác còn lại.
"Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi. Hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11, vì nếu phong thiếu tướng thì con số sẽ vượt. Hơn nữa, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác. Như vậy sẽ không hợp lý. Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau nhưng lại có người mang hàm cấp tướng, người mang cấp tá", ông Hoà nêu ra hàng loạt vấn đề và cho rằng đó là những điểm còn bất cập.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần cân nhắc việc quy định hàm tướng cho Giám đốc Công an TP.HCM và Hà Nội, vì cùng là cấp phó nhưng người được phong Thiếu tướng, người lại không là không hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận