Xã hội

ĐBQH: "Lò nóng rồi, không đưa củi vào lò sẽ tắt!"

06/09/2017, 11:28

Cho rằng tham nhũng tràn lan nhưng xử lý quá ít, ĐBQH đề nghị "lò đã nóng rồi thì cần cho củi vào".

dbqh-vu-trong-kim

ĐBQH Vũ Trọng Kim đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Sáng 6/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Tư pháp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.

Góp ý kiến vào báo cáo này, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đánh giá báo cáo "chưa đạt yêu cầu". Đề cập đến con số cán bộ Đảng viên thực hiện kê khai tài sản hàng năm được nêu trong báo cáo, ông Kim thẳng thắn cho rằng con số này không có nhiều ý nghĩa.

Thay vào đó, ông kiến nghị nên cập nhật vào báo cáo những vấn đề mà Quốc hội, cử tri cần như các dự án nghìn tỷ thua lỗ, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý.

"Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt", ông Kim đưa ra nhận định cho rằng tham nhũng tràn lan nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để xảy tham nhũng ở cơ quan và chỉ có 3 người bị xử lý về kê khai tài sản... là những con số không thực chất.

Dẫn thực tế ở T.Ư, Tổng Bí thư đang chỉ đạo chống tham nhũng rất quyết liệt, ông Kim bày tỏ băn khoăn: "Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Một vụ án giải quyết mấy năm trời không xong, tại sao lại như vậy?".

ĐBQH Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên cũng cho rằng đánh giá của Chính phủ về tình hình phòng chống tham nhũng chưa sát, nguyên nhân còn chung chung, giải pháp chưa tính đột phá. 

"Báo cáo nói là có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy một bộ phận ấy ở đâu, ở cơ quan, đơn vị nào? Năm nào cũng đưa ra những nhận định chung chung như vậy thì không sai, nhưng chẳng có tác dụng gì", ông Học nêu quan điểm.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thì cho rằng, vấn đề quan trọng trong phòng chống tham nhũng là tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nếu thực hiện tốt thì sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng rất nhiều. Nhưng thời gian qua, hiệu quả của việc này chưa cao. Ông cũng nêu thực tế có vấn đề lợi ích nhóm, trong mấy vụ án đều có chuyện "cầm nhiều tiền đi chia chỗ nọ, chia chỗ kia".

Kết luận nội dung này, chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội theo hướng đưa ra các đánh giá, nhận định thật sự thuyết phục, có dẫn chứng và số liệu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.