ĐB Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu trong phiên thảo luận về BLHS 2015 ngày 24/5 |
Bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, nữ ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp đã chia sẻ với báo giới làm rõ hơn quan điểm của mình xung quanh quy định "luật sư tố giác thân chủ".
Trước đó, trong phiên thảo luận về Bộ luật Hình sự 2015 chiều 24/5, bà Thuỷ đã nêu ý kiến ủng hộ quy định trách nhiệm hình sự đối với luật sư khi luật sư không tố giác thân chủ có hành vi phạm tội. Ngay sau đó, nhiều người đã bày tỏ ý kiến phản đối quan điểm này.
Trao đổi thêm về phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh, luật sư trước hết là nghề có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Bộ luật Hình sự 2015 đang quy định luật sư không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác thân chủ của mình, trừ trường hợp không tố giác tội mà thân chủ đã thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, theo đại biểu Thuỷ, đây là điều đầu tiên bất kỳ người dân nào cũng phải bảo vệ. Nếu an ninh quốc gia bị lung lay, xâm phạm, đe dọa thì không một nghề nghiệp nào có thể ổn định để mà yên tâm, chứ chưa nói đến nghề bào chữa của luật sư.
Về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác mà luật sư phải có nghĩa vụ tố giác được giới hạn ở điều 389, tức chỉ một số tội đặc biệt nghiêm trọng, như tội giết người, khi người bào chữa không tố giác tội đó thì anh phải chịu trách nhiệm do không tố giác tội phạm.
“Ví dụ thân chủ đã thực hiện hành vi giết người chôn xác ở sau nhà, trong khi đó gia đình nạn nhân đang đau khổ tìm kiếm người thân, các cơ quan tố tụng cũng đang nỗ lực để tìm ra tội phạm; hay thân chủ đó đã có hành vi đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi của gia đình này với con gia đình khác... Đó không chỉ là tội phạm hình sự thông thường nữa mà đó là tội ác. Bây giờ anh biết việc đó mà anh không tố giác ra thì tôi nghĩ rằng ở góc độ đạo đức, đạo lý của một con người thông thường đã không thể chấp nhận được, chưa nói một người luật sư mang trên mình sứ mệnh bảo vệ công lý, là người có trách nhiệm bảo vệ pháp chế theo điều 3 của Luật Luật sư. Điều đó khiến tôi thấy không đồng tình với một số ý kiến phát biểu”, bà Thuỷ nêu quan điểm.
Nữ ĐBQH cũng nhấn mạnh, những tội được liệt kê ở điều 389 không còn là tội phạm hình sự thông thường nữa mà khi hành vi đó xảy ra nó đã là tội ác rồi.
“Quan điểm của tôi cho rằng, nếu phi hình sự hóa tiếp tội không tố giác tội phạm do thân chủ của mình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong ở điều 389 là điều rất đáng phải cân nhắc”, bà Thuỷ nói.
Trước việc nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với phát biểu của mình, bà Thuỷ chia sẻ: “Phát biểu của tôi là trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của nhân dân. Tôi rất lắng nghe các ý kiến, để từ đó có thêm thông tin để phục vụ hoạt động của người đại biểu đại diện cho nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Trước đó, ngày 24/5, thảo luận về ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, bà Thuỷ cho rằng đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì không thể lấy bất kỳ lí do nào, kể cả lí do về hoạt động nghề nghiệp để không tố giác tội phạm, bởi Hiến pháp quy định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
“Chúng ta đã đặt đúng vị trí của vấn đề an ninh quốc gia, vấn đề trừng trị các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như vậy. Trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, gián điệp, phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp thì chúng tôi cũng đặt câu hỏi là nếu như “bao che” cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp?”, bà Thủyphát biểu tại hội trường.
Cũng theo đại biểu này, so với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa, trong đó có luật sư liên quan đến tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự 2015 đã được thu hẹp nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận