Một số thủ trưởng chưa quyết liệt, sâu sát
Sáng 22/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Trong đó, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài.
Còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ. Một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật…
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
"Cần xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo, dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp", bà Mẫn nhấn mạnh.
Cần xác định rõ nguyên nhân đơn thư tố cáo, khiếu nại tăng cao
Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn ĐBQH tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn.
Đối với một số đơn, thư hợp lệ bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn nhằm trả lời đơn là chủ yếu.
Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều khía cạnh.
Theo đó, khi công dân nộp đơn thường cung cấp không đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc. Do đó, đoàn ĐBQH không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần. Vì vậy, không tránh khỏi có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, các đoàn ĐBQH thường nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo, không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết của cơ quan chức năng, nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc.
Đại biểu Kiều cho rằng, các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.
Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của đoàn ĐBQH.
Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Mặt khác, phải nhanh chóng thiết lập quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót.
"Việc này phù hợp với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong các vụ việc hành chính hiện nay là nguyên tắc sửa sai, văn hóa xin lỗi, nhận lỗi của người có trách nhiệm", đại biểu đoàn Đắk Nông nói.
Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), Chính phủ cần đánh giá, làm rõ đặc điểm, tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 cũng như xác định rõ nguyên nhân đơn thư tố cáo, khiếu nại tăng cao.
Đồng thời, phân loại làm rõ hơn những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và những vụ việc tồn đọng từ những năm trước, những vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm… để có giải pháp và lộ trình xử lý cụ thể.
Với những vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương, đại biểu đề nghị các cơ quan tiếp công dân ở Trung ương cần ban hành văn bản không thụ lý hồ sơ và phải giải thích, tuyên truyền để công dân hiểu và chấp hành.
Hạn chế việc ban hành văn bản chuyển về địa phương đề nghị xem xét giải quyết dẫn đến tình trạng người dân vẫn tiếp tục yêu cầu giải quyết đã tạo áp lực đối với địa phương và vụ việc lại tiếp tục kéo dài.
Mặt khác, đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hoạt động trái pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận