Đơn thư tố cáo tăng
Sáng 22/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) năm 2023.
Theo ông Bình, sau thời gian bị tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, đoàn ĐBQH có xu hướng tăng trở lại và gần bằng với thời điểm trước đại dịch.
Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, đoàn ĐBQH tăng 2.040 lượt người, tăng 1.615 vụ việc, tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022.
Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022.
Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.
Theo ông Bình, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: quản lý đất đai, xây dựng; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai…
Liên quan đến tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, số lượng công dân đến cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm trước.
Theo ông Phong, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp nhận thức rõ trách nhiệm của mình về việc tiếp công dân định kỳ theo luật định, nên đã bố trí trực tiếp tiếp công dân nhiều hơn so với trước, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Với những vụ việc tồn đọng, kéo dài, khiếu kiện đến cơ quan trung ương, nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc.
"Một số vụ việc phức tạp Thủ tướng trực tiếp họp với các bộ, ngành địa phương để cho ý kiến chỉ đạo xử lý", ông Phong nhấn mạnh.
Ở cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đã chủ động chỉ đạo, kiểm tra, rà soát nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm, khách quan.
Tuy vậy, theo Tổng thanh tra, việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%).
Bộ trưởng tiếp công dân chỉ đạt 60%
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. Mặc dù số lượt, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh so với năm 2022 nhưng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, cho thấy lĩnh vực này đang có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%) cho thấy hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy, việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%).
"Tuy nhiên, đối với cấp bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng số đơn các loại do các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận là 453.097 đơn, tăng 31,4% so với cùng kỳ; trong đó, các cơ quan đã xử lý 428.955 đơn, chiếm tỷ lệ 94,7%.
So với năm 2022, số đơn do các bộ, ngành trung ương tiếp nhận tăng gần gấp đôi (94,4%) trong khi ở các địa phương số đơn tiếp nhận chỉ tăng 22,6%.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận