ĐBQH Bế Minh Đức - Cao Bằng |
Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Đại biểu Bế Minh Đức - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề cập đến việc giam giữ các phạm nhân bị kết án tử và chia sẻ, khi đi tiếp xúc cử tri, có cán bộ quản giáo quản lý người bị kết án tử hình cho rằng những quy định hiện nay còn nhiều bất cập.
Theo đó, thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho đơn vị quản lý, đặc biệt là cán bộ quản giáo hàng ngày phải vào trại giam đã bị không ít người thi hành án chống đối, không hợp tác.
Ông Đức phân tích, có bị án đã viết đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước xin ân xá, tuy nhiên thời gian kéo dài một đến vài năm nhưng không được trả lời. Có bị án xin được thi hành án ngay để được chết nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản, chống phá.
"Thực tế cho thấy người bị kết án tử hình thường có biểu hiện tâm lý không bình thường như chán nản, suy nhược thần kinh, liều lĩnh. Nếu không quản lý chặt chẽ dẫn đến bỏ trốn hoặc có những hành động gây hậu quả đáng tiếc" - ĐB tỉnh Cao Bằng nói.
Theo ông, Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, sau khi bản án xử phạt tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được chuyển lên Chánh án TAND tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSND tối cao. Theo quy định của luật, bản án tử hình chỉ được đưa ra thi hành khi không có kháng nghị của Chánh án và Viện trưởng VKS trong thời hạn luật định và có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm.
Tuy vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa quy định thời hạn ra quyết định ân giảm cũng như thời hạn Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phản hồi ý kiến của mình về việc xin ân giảm án tử hình của người bị kết án tử hình lên Chủ tịch nước.
Những bất cập nói trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bản án tử hình chậm được thi hành, nhiều trường hợp kéo dài gây khó khăn cho trại tạm giam.
Vì vậy, ông Đức đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn của bị đơn gửi lên Chủ tịch nước là bao nhiêu ngày, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian giam người bị án tử hình đã được toà các cấp xét xử.
Đánh giá việc dạy nghề ngoài trại giam là việc nhân đạo, giúp phạm nhân cảm thấy thoải mái hơn, cố gắng cải tạo, song ông Đức cũng góp ý: "Dù ra ngoài nhưng sẽ có quy định về quản lý, cơ sở giam giữ phối hợp với doanh nghiệp, nếu không đủ điều kiện sẽ không ra ngoài. Nhưng để có đồng thuận cao thì Chính phủ cần đánh giá tác động, chỉ rõ những tiêu chí, tính khả thi đủ để có thể cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động bên ngoài".
Cũng đề cập đến việc phối hợp với cá nhân, tổ chức cho phạm nhân lao động, đặc biệt là tổ chức cho phạm nhân lao động, sản xuất, học nghề ngoài trại giam, nữ ĐB Phan Thị Mỹ Dung cho rằng Dự luật không có quy định về việc tiếp xúc của phạm nhân khi lao động bên ngoài với một số lượng lớn phạm nhân, quy định tiếp xúc trong ngày, hàng ngày như thế nào.
Bên cạnh đó, cũng chưa đánh giá đến việc phải có một lực lượng cán bộ, chiến sỹ công an, người hỗ trợ, nhân viên y tế tham gia vào công tác quản lý một số lượng lớn phạm nhân ra ngoài lao động ra sao.
Bởi vậy, theo bà Dung, việc áp dụng pháp luật lao động đối với phạm nhân như lao động thông thường là thiếu khả thi, vì còn liên quan đến các quyền như quyền lựa chọn việc làm phù hợp trên cơ sở thoả thuận lao động, chế độ đãi ngộ, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, BHXH, BHYT, công đoàn… "Theo dự luật, phạm nhân ra ngoài lao động theo ký kết giữa trại giam, traị tạm giam với các DN, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thì có được các quyền như thế hay không?" - bà Dung đặt vấn đề.
ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) thì đánh giá việc cho phạm nhân lao động ngoài trại giam góp phần thực hiện tiến bộ theo hướng đề cao quyền con người, song bà Lam cũng cho rằng việc này là không cần thiết, tiềm ẩn nhiều nỗi lo không thể lường trước, liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn cho cả phạm nhân, cán bộ quản lý và người dân.
"Ban soạn thảo có đánh giá hết những nỗi lo này hay không?" - nữ ĐB đặt câu hỏi và cho rằng, chỉ cần khai thác tốt các khu học nghề sẵn có trong trại giam, khai thác tiềm năng lao động sẵn có của phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân tham gia lao động tạo ra nhiều lợi nhuận....
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận