Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị cơ quan Kiểm toán nhà nước vào cuộc kiểm tra quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Vĩnh Yên |
Ngày 17/7, ông Đinh Duy Vượt- Đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã đề nghị cơ quan Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm tra quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp (CPH) đối với 4 công ty vốn nhà nước đã CPH tại Gia Lai.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Duy Vượt cho biết, tháng 3/2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu hai cơ quan là Sở TNMT, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luận về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Đến tháng 5/2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Kiểm toán nhà nước vào cuộc để tiến hành kiểm tra quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước ở Gia Lai.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Tấn Đức, Phó Giám đốc sở Tài chính tỉnh Gia Lai nêu trong giai đoạn từ 2011-2016, tỉnh Gia Lai đã nộp toàn bộ số tiền từ bán cổ phần vốn nhà nước cho tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trên 400 tỉ đồng về Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (SCIC).
Cụ thể: năm 2011, sau khi CPH doanh nghiệp công ty Điện Gia Lai đã nộp vào SCIC là 210 tỉ đồng; năm 2016- đến năm 2017, Gia Lai nộp CPH 3 công ty sau bán vốn nhà nước của các công ty TNHH MTV Công trình đô thị Gia Lai (trên 5,4 tỉ đồng); Công ty Chè Bàu Cạn (105,2 tỉ đồng) và Công ty cấp nước Gia Lai (trên 86,8 tỉ đồng).
3 công ty đang được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra giai đoạn CPH từ năm 2016- đến năm 2017 gồm: Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Gia Lai (trên 5,4 tỉ đồng); Công ty Chè Bàu Cạn (105,2 tỉ đồng) và Công ty cấp nước Gia Lai (trên 86,8 tỉ đồng). |
Theo ông Vượt, “Qua theo dõi quá trình CPH doanh nghiệp ở Gia Lai được triển khai nhưng rất ít thông tin để nhà đầu tư chiến lược thực sự quan tâm nhằm nâng cao giá trị khi bán cổ phần nhà nước. Đáng quan tâm hơn, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua nhiều Đại biểu Quốc hội khác quan tâm đến vấn đề nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua CPH do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế; nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, giá trị tài nguyên đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng…”.
“Thời gian gần đây, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi CPH và quản lý đất đai sau cổ phần luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH, dư luận và cử tri. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN… Việc, CPH doanh nghiệp nhà nước thời gian gần đây đã bộc lộ sai phạm. Trong đó có vấn đề về lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau thao túng chiếm lợi ích. Điều này không những làm thất thoát nguồn thu vào ngân sách còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước khắp toàn quốc”, ĐBQH Đinh Duy Vượt cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận