Xã hội

ĐBQH lo tăng tuổi nghỉ hưu, công chức “cắp ô” sẽ lấy mất cơ hội của lớp trẻ

12/06/2019, 18:47

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu vẫn được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án Luật Lao động (sửa đổi) chiều 12/6.

img
Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu vẫn được nhiều ĐB quan tâm tại phiên thảo luận về Dự án Luật Lao động (sửa đổi) chiều 12/6 (Trong ảnh: ĐB Phạm Văn Hòa)

Một trong số ĐBQH tán thành với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, dù dư luận vẫn còn nhiếu ý kiến chưa đồng tình, song việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thời điểm này là cần thiết.

Theo nữ ĐB, tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, đến nay các điều kiện về kinh tế xã hội về điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, yêu cầu phát triển đất nước... đã thay đổi rất nhiều. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu đã chín muồi.

“Cách đây 15 năm, lực lượng lao động của nước ta tăng khoảng 1,2 triệu người/năm, đến nay chỉ còn 400 nghìn người/năm và dự báo là trong 15 năm tới, Việt Nam chỉ tăng 200 nghìn lao động/năm. Như vậy, trong tương lai, nước ta sẽ vẫn thiếu lực lượng lao động nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, lương hưu của phụ nữ sẽ được cải thiện rõ hơn”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tích cực đến việc phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ, do có thêm cơ hội trong đào tạo quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng cán bộ. “Hiện nay, do tuổi nghỉ hưu của nữ trước 5 năm, dẫn đến các quy định về việc độ tuổi tham gia đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch của phụ nữ đều phải sớm hơn nam giới là 5 năm. Trong khi, mỗi phụ nữ mất khoảng 5-8 năm để sinh con và nuôi 2 con nhỏ. Do vậy, sau 35 tuổi, phụ nữ mới có điều kiện thuận lợi hơn để tập trung cho công việc và phát triển sự nghiệp”, bà Hà nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động. “Tại Việt Nam, tuổi lao động quá dư thừa, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng, đặc biệt cần tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ”, ông Hòa nói và nhấn mạnh: “Tuổi thọ trung bình của nước ta là hơn 76 tuổi nhưng sức khỏe thì rất thấp, vì mắc nhiều thứ bệnh”.

Bên cạnh đó, ĐB Đồng Tháp cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu nên cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho giới trẻ. “Nên chăng tuổi nữ tăng đến 58, nam 62 là đủ. Đây cũng là nguyện vọng không nhỏ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường….Những đối tượng đến tuổi hưu như luật hiện hành mà công việc làm năng suất không cao, “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” nhưng vẫn ở mức hoàn thành nhiệm vụ mà không muốn nghỉ hưu, chờ đến đúng tuổi mới chịu nghỉ theo Dự thảo luật, thì tổ chức cá nhân có thẩm quyền được quyền cho nghỉ hưu sớm để ưu tiên vị trí việc làm đó cho tuổi trẻ nhiệt huyết, năng lực để đảm đương nhiệm vụ”.

Cũng theo đại biểu Hòa, về trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian nghỉ hưu nên giao Chính phủ quy định, nhưng không quá 65 tuổi cho nam và nữ. Tuy nhiên, không thể ghi trong Luật là có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu và là nhu cầu thực sự cần thiết. “Chúng tôi rất mừng vì đa phần các đại biểu phát biểu đã đồng thuận với phương án này. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ dàng và các nước cũng gặp nhiều khó khăn...

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu phải được tiến hành sớm khi còn thặng dư lao động. Việc tăng tuổi phải diễn ra chậm. Thực tế cho thấy người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia và dân tộc lâu dài, các nước đều phải đưa ra quyết định này. Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước”, Bộ trưởng Dung nói.

Theo ông Dung, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đang ở mức 2,2%, nằm trong nhóm 8 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới và sức khỏe đứng thứ 40/183 quốc gia. “Từ 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang đang già, mỗi năm chỉ có thêm 400.000 lao động bổ sung vào lực lượng lao động. Thời gian tới, chắc chắn sẽ thiếu lao động”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.