Xã hội

Lo lắng tăng tuổi nghỉ hưu

20/05/2019, 07:00

Làn sóng phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đến từ doanh nghiệp lẫn người lao động.

img
Các doanh nghiệp khi đăng tuyển dụng thường giới hạn độ tuổi từ 18-35 nên rất khó
để công nhân đóng bảo hiểm đủ số năm quy định. Ảnh: Khánh Linh

Trong đó không ít người cho rằng, quy định này chịu sức ép từ lo ngại vỡ quỹ BHXH, làm hạn chế quyền nhận lương hưu!

Chọn phương án tránh gây sốc thị trường lao động

Chiều 19/5, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, sẽ được trình tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Thông tin với PV Báo Giao thông ngay sau khi cuộc họp kết thúc, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo nội dung dự thảo mới nhất, Chính phủ đã quy định nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: “Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Phương án 2: “Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Với 2 phương án này, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Chính phủ thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết, tại phiên họp, nhiều đại diện các ban, bộ, ngành bày tỏ băn khoăn với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, thực tế tuổi NLĐ càng già đi thì năng suất lao động càng giảm sút, người lao động cũng không mấy mặn mà làm việc ở giai đoạn về cuối thời gian lao động. Bởi đối với nhiều ngành nghề, tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng, nhiệt huyết với công việc.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn, số đông người lao động ở nhiều ngành đều mong muốn được tới thời điểm nghỉ hưu, vậy liệu việc tăng như thế đã đảm bảo được quyền lợi của số đông đó hay chưa. Đành rằng trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của người Việt ngày càng tăng lên thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp, song cần có đánh giá đầy đủ sự tác động của bộ luật đối với các đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là tác động này đối với cơ hội việc làm đối với những người trẻ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần làm rõ việc tiền lương hưu có tăng lên không khi tuổi lao động NLĐ được kéo dài ra, nếu tăng thì có bảo đảm an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội không. Mặt khác, cần nghiên cứu độ tuổi nghỉ hưu theo hướng theo ngành nghề đặc thù, đồng thời việc này nên để Chính phủ quy định chứ không nên cứng nhắc áp dụng chung như trong dự thảo.

“Còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất nên cơ quan soạn thảo vẫn đang tiếp thu để chỉnh lý”, bà Hiền thông tin.

Càng nghỉ hưu muộn, mức lương hưu càng thấp?

NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ DOANH NGHIỆP CẦN CÓ SỰ CHIA SẺ

Luật Lao động chỉ đặt ra mốc tuổi của người lao động được hưởng lương hưu còn mức lương cụ thể như thế nào sẽ được tính toán trong Luật BHXH sửa đổi vào năm 2022. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, người lao động và doanh nghiệp nên có chia sẻ chung đối với thế hệ lao động tương lai và cả nền kinh tế vĩ mô nước nhà.
Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ,TB&XH.

Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp... không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới... Đặc biệt, là cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Các đối tượng là công nhân, NLĐ trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù... có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động đến thị trường lao động.
Ông Lê Đình Quảng,
Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động VN

Tính tới tháng 9 năm nay, ông Nguyễn Văn Sơn, kế toán trưởng của một doanh nghiệp tại Hưng Yên sẽ đến hạn nghỉ làm hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Sơn vẫn băn khoăn cho thế hệ lao động sau mình. “Thời gian đóng bảo hiểm của tôi tính tới nay cũng được trên 40 năm, tuy nhiên đối với lớp trẻ bây giờ sau khi đi học rồi ra trường, để kiếm được một việc làm ổn định đã là rất khó khăn nan giải. Chưa kể còn có trường hợp chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm… Do đó, muốn được hưởng 75% lương hưu khi về già theo quy định hiện nay đã là hiếm có người đạt được. Nếu tăng thêm tuổi nghỉ hưu nữa thì còn chưa biết ra sao?”.

Tương tự, ông H.M.T, cán bộ công chức tại huyện Ba Vì, Hà Nội nhận định: “Có một thực tế là càng nghỉ hưu muộn thì mức lương hưu càng thấp. Nay đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không thấy đề xuất có tăng mức lương hưu được nhận hay không. Cũng giống như khi quy định tăng số năm đóng bảo hiểm lên 5 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa (Từ 1/1/2018 Luật BHXH quy định lao động nam đóng 35 năm, nữ đóng 30 năm mới được hưởng 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH-PV), nếu tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì số người nhận bảo hiểm một lần sẽ tăng lên. Vì vậy, theo tôi để đảm bảo quỹ BHXH, Nhà nước nên tăng đối tượng tham gia BHXH chứ tăng tuổi nghỉ hưu mà số người xin hưởng BHXH một lần cũng tăng lên thì cũng không giải quyết được vấn đề”.

Khá bức xúc, chị Đ.T.T.H, công nhân làm việc cho một công ty của Nhật chuyên lắp ráp thiết bị điện tử tại KCN Bắc Thăng Long cho rằng, càng tăng tuổi nghỉ hưu thì doanh nghiệp càng tìm cách ép lao động nghỉ việc sớm. “Tăng tuổi hưu liệu có hợp lý trong khi tất cả doanh nghiệp đều tuyển lao động từ 18-35 tuổi. Qua 35 tuổi là nhà máy không muốn tuyển dụng thì làm sao mà đóng bảo hiểm đến già?”, chị H. chia sẻ.

Lý lẽ của cơ quan soạn thảo luật

img
Người lao động trong khối sản xuất trực tiếp nặng nhọc như dệt may lo ngại
tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội được nhận lương hưu. Ảnh: Trần Hải

Trước luồng ý kiến bày tỏ phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ,TB&XH khẳng định: Trước khi đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo Luật Lao động sửa đổi đã nghiên cứu rất kỹ tình hình thực tiễn thị trường lao động và kinh nghiệm các nước trên thế giới. “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán thị trường lao động tại Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Theo tính toán tới khoảng năm 2038 chỉ còn 20% dân số trong độ tuổi trên 60 tuổi, do vậy nếu không điều chỉnh thì lực lượng lao động vào-ra thị trường sẽ bị tắc nghẽn”, ông Thiện cho hay.

Mặt khác theo ông Thiện, nghiên cứu của WHO năm 2018 cho thấy, thể chất sức khỏe người Việt Nam trên 60 tuổi rất tốt, chỉ đứng sau Nhật Bản và Singapore ở châu Á. Sức khỏe tốt, nên nhu cầu làm việc của đối tượng này vẫn rất cao. “Thực tế có tới 42% người lao động đã nghỉ hưu vẫn quay trở lại làm việc. Đáng nói đây là những đối tượng có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra 1 người lao động đã nghỉ hưu khi quay trở lại thị trường có thể mở ra thêm 1,05 việc làm cho lao động khác. Như vậy, không thể nói tăng tuổi nghỉ hưu sẽ lấy mất cơ hội cho người trẻ”, ông Thiện dẫn giải.

Liên quan đến kiến nghị nên tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với lĩnh vực ngành nghề, không nên cào bằng, ông Thiện cho biết: “Phương án mà Ban soạn thảo đưa ra theo lộ trình chậm để người lao động, doanh nghiệp và cả xã hội thích ứng. Đặc biệt, trong kỳ họp Quốc hội lần này, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến nhằm nghiên cứu sửa đổi quy định rõ danh mục các ngành nghề nào được nghỉ hưu sớm, ngành nghề nào được nghỉ hưu muộn hơn so với quy định”. Song, vị đại diện Ban soạn thảo cũng lưu ý: “Cần làm rõ khái niệm tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Hiện, đang có quan điểm sai lầm rằng mỗi người chỉ làm một công việc tới trọn đời. Thực tế, trên thị trường lao động có rất nhiều việc làm, mỗi giai đoạn trong cuộc đời, NLĐ đều có thể chuyển sang vị trí việc làm phù hợp. Việc xác định mốc tuổi nghỉ hưu chỉ là 1 trong 2 điều kiện để hưởng lương hưu, do đó đang có sự hiểu lầm rất lớn khi kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải làm tới mốc đó mới được nghỉ. Trong khi theo quy định, chỉ cần đóng đủ năm bảo hiểm, NLĐ có thể nghỉ để làm việc khác hoặc ở nhà chờ ngày lĩnh lương hưu”.

Về ý kiến phản ánh, doanh nghiệp và NLĐ khối sản xuất trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu vì rất khó có cơ hội việc làm chính thức khi đã vào độ tuổi từ 35 trở lên đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội có lương hưu, ông Thiện dẫn giải: “Doanh nghiệp khối sản xuất không thích nâng độ tuổi nghỉ hưu bởi xuất phát từ nguyên nhân: NLĐ có thâm niên thường hưởng hệ số lương cao; bên cạnh đó, hầu hết công việc đều mang tính chất gia công không đòi hỏi tay nghề cao, muốn tiết kiệm chi phí lao động, doanh nghiệp luôn muốn sa thải công nhân cũ và thay người mới”.

Để đối phó với thực trạng này, ông Thiện cho biết, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra nhiều điều khoản bảo vệ người lao động như: Chống chấm dứt hợp đồng vô lý; tiêu chuẩn lương tối thiểu; thời gian làm thêm; thời gian làm việc tối đa; chế độ đãi ngộ, thù lao… Ngoài ra, cũng tăng thêm cơ chế hỗ trợ hoạt động cho tổ chức đại diện lao động là Công đoàn để thương lượng, đối thoại bảo vệ NLĐ.

Về nghi vấn việc tăng tuổi nghỉ hưu do sức ép lo ngại Quỹ BHXH sẽ vỡ, ông Thiện khẳng định: “Không thể có chuyện Quỹ BHXH bị vỡ bởi đã có Nhà nước đứng ra bảo trợ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ một phần điều chỉnh lại yếu tố tài chính của Quỹ BHXH. Hiện, Việt Nam là một trong những nước có chế độ BHXH hào phóng nhất thế giới, đóng ít mà hưởng nhiều khi tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên đáng kể”.

Rất ít người được hưởng lương hưu tối đa

Khẳng định đã đọc và nghiên cứu rất kỹ phương án và lộ trình thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu song ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản bày tỏ không đồng tình với lộ trình trên. “Số liệu theo dõi tổng kết nhiều năm qua trong ngành Thủy sản cho thấy, tỷ lệ NLĐ, bao gồm cả lao động phổ thông làm việc trực tiếp lẫn lao động mảng phát triển thị trường, có thể chờ đủ số tuổi, số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu tối đa theo quy định là rất nhỏ. Thực tế, hầu hết NLĐ chỉ làm việc 10-12 năm đã xin nghỉ”, ông Nam nói và nhấn mạnh: “Lao động phổ thông chiếm số đông trên thị trường cũng là đối tượng đang bị điều chỉnh bởi Luật Lao động, do đó các ngành hàng sản xuất vẫn muốn giữ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện tại. Trong trường hợp Ban soạn thảo Luật phải chịu sức ép của nhiều góc cạnh, các ngành nghề trong toàn xã hội, cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu thì nên giãn tiếp lộ trình ở mức chậm nhất có thể”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.