ĐB Trần Thị Phương Hoa - đoàn ĐBQH TP Hà Nội |
Chiều nay, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) đánh giá, việc ban hành Luật này là rất cần thiết. Theo ông Hoàng, thực tế rượu bia không hoàn toàn có hại mà nhiều nơi xem nó như một văn hoá, giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Việc sử dụng rượu bia nếu biết điều tiết, sử dụng hợp lý thì là tốt nhưng ngược lại chỉ cần lạm dụng, bước qua ngưỡng thì sẽ trở nên tiêu cực.
Ông Hoàng nêu câu chuyện mà ông trực tiếp chứng kiến ở tỉnh Hà Giang khi tới một phiên chợ và thấy thanh niên, thiếu niên sử dụng rượu phổ biến. Từ đây ông băn khoăn quy định cấm sử dụng, cấm bán rượu bia đối với đối tượng dưới 18 tuổi. “Luật quy định như thế nhưng có khả thi không, có thực hiện được hay không?”- ông Hoàng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ĐB Lâm Đình Thắng (TPHCM) lại đề nghị bổ sung quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không và quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi.
“Phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, tôi cho rằng cần mở rộng ra bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống rơi vào tình thế buộc phải uống" - ông Thắng nói và phân tích thêm, văn hoá của Việt Nam là trọng tình trọng nghĩa, nhiều người không thực sự muốn sử dụng rượu bia nhưng rơi vào tình thế... buộc ép uống.
Ví dụ như một sinh viên mới ra trường, đi làm thì bị anh chị trong cùng cơ quan ép, không uống thì bị cho là không nhiệt tình. Hoặc là cán bộ đoàn thanh niên khi đi tiếp khách thì bị các bậc cha, anh... ép uống không cách nào tránh được...
Từ thực tế đó, ông Thắng đề xuất dự thảo luật tách hẳn một điều dành cho công tác giáo dục, truyền thông cho đối tượng học sinh, sinh viên, trong đó tập trung vào đối tượng lớp 10 và năm đầu của sinh viên các trường CĐ-ĐH bởi đây là những đối tượng có nguy cơ tiếp xúc với rượu bia, hội hè rất cao.
Nữ ĐB đoàn Hà Nội Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội tán thành với tên gọi luật như Chính phủ trình bởi “rất có lý”. Theo bà, rượu, bia có mặt lợi và có mặt hại, và ở đây cần phải hiểu là phòng chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia.
“Thế nào là phòng, thế nào là chống, cần cụ thể hơn. Phải quy định cấm ép uống rượu bia trên mọi lứa tuổi. Tôi biết có trường hợp ép uống say rồi sáng hôm sau đột tử” - bà nêu thực tế và đề nghị.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của ban soạn thảo và đồng ý có một luật liên quan đến rượu, bia, vì trên thực tế cái hại đã rất rõ.
Tuy vậy, ông Trí đánh giá tên gọi ban soạn thảo trình “rất kinh khủng”, 2 năm trời “nâng lên đặt xuống”, và nếu gọi như vậy chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại trong khi dùng đúng liều lượng sẽ rất tốt.
Ông đề nghị luật phải quản lý tất cả những gì có thể gây hại cả trực tiếp và gián tiếp, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ, nhưng “đừng khai tử” việc sản xuất rượu, bia đúng quy định.
“Tôi còn mơ ước Việt Nam sẽ xuất hiện một vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây kiểu gì người ta cũng phải mua mang về. Vì vậy, luật này không phải cấm, mà là kiểm soát và làm cho cái tốt nhân rộng lên” - ông Trí nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận