ĐBQH Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Văn Chiến lại có quan điểm khác nhau về việc thu hồi tài sản bất minh của công chức |
Ngày 21/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận trên hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Từ quan điểm của ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp về việc Luật Phòng chống tham nhũng phải quy định được việc xử lý tài sản bất minh của cán bộ công chức, nhiều ĐBQH đã tranh luận về nội dung này.
Thiếu quy định sẽ thành nơi trú ẩn của tài sản tham nhũng
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Hành vi sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc, hoặc nguồn gốc không hợp pháp, nói như luật pháp quốc tế là tài sản bất minh, thì có phải tài sản tham nhũng không?”.
Ông Sơn đồng tình với việc phải bổ sung quy định này vào luật, có như vậy chúng ta mới đi đến giải quyết hai vấn đề cốt tử, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát, có quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.
“Việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua”, ông Sơn nói.
Vấn đề thứ hai, ông Sơn nhấn mạnh trách nhiệm về việc giải trình tài sản, trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước “có quyền thu hồi” tài sản đó.
“Việc chứng mình tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Còn trong phạm vi điều chỉnh của dự luật này thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản hợp pháp phải là của chủ sở hữu tài sản. Nếu không chứng mình được thì nhà nước thu hồi tài sản đó”, ông Sơn phân tích.
Ông kiến nghị Uỷ ban TVQH, Quốc hội chỉ đạo ban soạn thảo đưa vấn đề này thành quan điểm trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan phòng chống tham nhũng để làm nền tảng cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sau này.
Đồng tình, ĐB, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh, với tài sản thì mọi công dân đều phải minh bạch, chứ không chỉ với quan chức.
Trước những ý kiến còn băn khoăn khi soi chiếu quy định về quyền sở hữu tài sản, theo ông Nghĩa, Hiến pháp chỉ bảo vệ nguồn tài sản “hợp pháp” chứ không bảo vệ tài sản “bất minh”.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào, thu hồi ra sao? Theo luật sư Nghĩa, nếu không khéo sẽ làm phân tán nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Tập trung vào những người có quyền lực
Cũng là luật sư, nhưng ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) lại có quan điểm khác.
Ông băn khoăn: “Nếu tài sản không chứng minh được từ nhiều nguồn khác nhau, chỉ thấy không minh bạch mà lấy cơ chế xử lý trong hành vi tham nhũng là chưa phù hợp”.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định, vấn đề tham nhũng là vấn đề lớn, nếu coi đó là “căn bệnh” chúng ta đang muốn có thang thuốc đặc trị, nhưng xu thế hiện nay, ông thấy đang có sự “pha loãng” ra, làm mất đi hiệu lực thực sự.
“Chúng ta phải xác định rõ nội hàm. Có nhiều tài sản bất minh, nhưng không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao là tài sản tham nhũng? Chẳng hạn như tài sản buôn lậu mà có. Tham nhũng gắn liền với quyền lực và làm phương hại đến tài sản công. Nếu không phải của công thì không phải tham nhũng, nếu không có quyền thì không ai tham nhũng được”, ông Quốc nêu quan điểm. Theo ông, nếu cứ làm tràn lan như thế thì “con cá to lại lọt, toàn bắt con cá nhỏ”.
“Tôi nghĩ trước hết chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không chỉ Luật Phòng chống tham nhũng, còn luật Phòng chống tham nhũng tập trung vào những người có quyền lực, sử dụng quyền lực để tư lợi cho mình. Còn minh bạch tài sản là rất cần thiết trong xã hội hiện đại, nhưng trước hết tập trung vào những người có khả năng làm phương hại đến của công”, ông Quốc góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận