Đề nghị dừng nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19
Sáng nay (29/5), tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công Covid-19, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin cho nhân dân.
"Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin là rất thành công, có đủ, kịp thời, có ngay vắc xin để tiêm phòng cho nhân dân. Nguồn vắc xin qua ngoại giao chiếm 24 nghìn tỷ, tương đương 150 triệu liều, đó thực sự là nguồn lực rất lớn? Chúng ta đã thành lập kịp thời quỹ vắc xin, và khẳng định nhờ có vắc xin kịp thời, đầy đủ mà chúng ta chặn đứng được đại dịch, cứu được tính mạng cho nhân dân. Đó là nguồn lực vô giá trong phòng chống dịch", ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu, trong báo cáo của Đoàn giám sát có viết: "Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch, đó là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình thương yêu, lòng nhân ái".
Thấu hiểu điều đó, ông Trí mong muốn Chính phủ thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 30 và 43 của Quốc hội, để thanh quyết toán kinh phí cho lực lượng phòng chống dịch.
"Nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương khen thưởng cho cá nhân, tập thể phòng chống dịch. Xin đừng quên những đóng góp của họ, đại dịch Covid-19 vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh. Đóng góp của nhân dân là rất to lớn", ông Trí nói.
Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng có những sai phạm nghiêm trọng.
"Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít khi xảy ra như nghiên cứu khoa học. Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kít test. Thật đau đớn, thật đáng lên án, sự trả giá là quá đắt, quá lớn, tôi đồng ý ai tham ô, tham nhũng thì cần phải xử lý nghiêm khắc", ông Trí nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, cần xem xét có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch.
Đại biểu đoàn TP Hà Nội cũng cho rằng, Bộ Y tế cần quan tâm đến vấn đề sản xuất vắc xin và kít test.
"Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, đặc biệt là các nước quanh ta. Vắc xin và kít test đang cần và cần nhiều cho việc chẩn đoán cho các bệnh khác, nhất là các bệnh mới nổi. Tuy nhiên, cũng cần ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19. Bây giờ là quá muộn để nghiên cứu, cần tìm nguồn mua vắc xin chống Covid-19 tốt, giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân", ông Trí đề xuất.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn)
Cần có lộ trình xây dựng hệ thống y tế được thống nhất, đồng bộ
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân khác nhau như một số cán bộ được phân công tham gia đấu thầu thiếu kinh nghiệm; thủ tục thực hiện đấu thầu kéo dài vì liên quan đến xác định giá dự toán gói thầu, trong khi đó việc cung ứng vật tư hóa chất, sinh phẩm là đòi hỏi cấp bách...
Tại một số thời điểm các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch nên phải đi vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sớm tham mưu có phương án xử lý dứt điểm vướng mắc nêu trên.
Bên cạnh đó, đại biểu Kim Ngân cũng đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát là cần thiết phải có rà soát, thống kê, tổng hợp và phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập và có báo cáo tổng kết, đánh giá về việc thực hiện mô hình quản lý và chức năng nhiệm vụ của trung tâm y tế huyện trên địa bàn cả nước hiện nay để có lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ chuyên môn cần có đề án, chương trình thực hiện để đánh giá được khách quan, toàn diện, qua đó xem xét có lộ trình xây dựng hệ thống y tế được thống nhất, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng diễn ra ở các tuyến, các cơ sở y tế phải huy động tăng cường tất cả công chức, viên chức ngành y đều phải trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, không có phân biệt đối tượng đang hưởng phụ cấp nghề 30% hay 40%, nhưng đến khi có chính sách hỗ trợ lại có sự phân biệt về đối tượng thụ hưởng. Quy định như vậy là chưa đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách.
Do đó, đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ xem xét chính sách bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận