Xã hội

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Năm 2020 không thiên thời địa lợi nhưng nhân hoà toả sáng

29/03/2021, 18:16

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư và nhạc trưởng của mối quan hệ nhân hòa.

img

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Phòng chống tham nhũng là cuộc chiến sinh tử của Đảng ta

Chiều nay (29/3), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết, cha ông ta thường nói, muốn thành công thì phải hội đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

"Nhưng mà chúng ta đã trải qua 1 nhiệm kỳ 5 năm, đặc biệt vào năm 2020 thì "thiên" có nhiều khó khăn, "địa" có nhiều bất lợi, chỉ có yếu tố "nhân hòa" lại tỏa sáng ở nước ta", ông Lộc nói.

Theo đại biểu Lộc, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ. Sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào ta, của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để chúng ta có thể vượt qua thách thức và đạt tới thành công.

"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư và nhạc trưởng của mối quan hệ nhân hòa đó", ông Lộc nói.

Theo đại biểu Lộc, trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã khép lại được khoảng cách giữa lời nói và việc làm, khi đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

"Đây là cuộc chiến sinh tử của Đảng ta để bảo vệ chính mình, để giữ lại niềm tin của người dân vào Đảng và chế độ và tạo ra động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà", đại biểu Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, trong lĩnh vực đối ngoại, chúng ta cũng đạt được mục tiêu kép, vừa mở rộng sâu rộng hội nhập, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, cách ứng xử "di bất biến, ứng vạn biến", điềm tĩnh, khôn khéo, nương vào chính nghĩa, lấy đối thoại và thuyết phục làm trọng, đã góp phần hóa giải được những bất đồng và xung đột tiềm ẩn từ Biển Đông, từ phía Bắc, phía Tây, đã giữ được bình yên cho sự nghiệp xây dựng nước nhà.

Về những điểm còn hạn chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đồng tình với những vấn đề được nêu trong báo cáo của Chủ tịch nước là việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Điều này phù hợp với nhận định của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới cũng như báo cáo khảo sát PCI của VCCI rằng các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp ở nước ta luôn là một điểm nghẽn, được xếp hạng chưa cao và chậm được cải thiện trong những năm qua.

Các đại biểu lo ngại thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp

Tại phiên thảo luận chiều nay, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự lo ngại vì sự xuống cấp của đạo đức, văn hoá xã hội.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhận định nhiệm kỳ qua Chính phủ đã có những thành công với kinh tế tăng trưởng, an sinh xã hội đảm bảo. Đây chính là những sắc hồng của đất nước, minh chứng được bản chất tốt đẹp của chế độ. Nhưng bên cạnh sắc hồng đó, vẫn còn những điểm không sáng.

"Đó là tình trạng giàu nghèo khoảng cách rõ nét, tội phạm, đấy là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Cơ đồ đất nước sẽ ra sao nếu đạo đức xã hội có chiều hướng xấu đi", đại biểu Việt nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ tới đây cần có giải pháp thực sự căn cơ, không để tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, lành mạnh hóa văn hóa xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho hay, chúng ta chưa bao giờ có tiền đồ đẹp như ngày hôm nay, kinh tế phát triển nhưng đạo đức suy đồi.

"Phải chăng nghiệp vụ điều tra của chúng ta tốt hơn, làm cho chúng ta phát hiện nhiều vụ hơn mà trước đây bỏ sót? Hay khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật?", đại biểu Hiếu nêu vấn đề và lý giải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, nhất là giáo dục đội ngũ giáo viên trẻ.

"Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là hàng đầu nhưng kết quả giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ 2016-2021. Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới tập trung hơn nữa cho giáo dục nhiệm kỳ mới, tập trung an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe", đại biểu Hiếu mong muốn.

Đề xuất với Chính phủ khoá mới, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tập trung vào ba vấn đề: Tăng cường chất lượng thể chế, đặc biệt là việc tổ chức nhân sự; Phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là dân chủ để phát huy nguồn nhân lực về trí tuệ , trọng dụng nhân tài và củng cố quan hệ đạo đức, văn hoá xã hội vốn dĩ xuống cấp rất nghiêm trọng.

"Đã nhiều lần tôi đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại các quan hệ đạo đức, văn hoá đã xuống cấp để nâng lên thành các quan hệ pháp luật. Bởi lẽ khi đạo đức, văn hoá xuống cấp thì chúng ta không thể dùng đức trị được nữa, phải dùng pháp trị, phải dùng biện pháp mạnh mẽ hơn để lập lại đạo đức văn hoá, xã hội trong gia đình, xã hội, nhà trường", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.