Xã hội

Hàng triệu tấn pin mặt trời độc hại sẽ thải đi đâu?

29/03/2021, 14:00

Hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý rác thải các tấm pin mặt trời trong khi có những dự án tuổi thọ pin mặt trời chỉ khoảng 10 năm...

img

Tới nay, pin mặt trời tại Việt Nam vẫn chưa có phương án tái chế

Với phong trào phát triển ồ ạt điện mặt trời (ĐMT), trong đó có loại ĐMT núp bóng trang trại (xem loạt bài trên Báo Giao thông), điều đáng lo ngại hiện nay là vẫn chưa có phương án xử lý rác thải các tấm pin mặt trời (tấm quang năng).

Nhà đầu tư cứ “làm trước tính sau”

Nhập thiết bị từ Trung Quốc với tuổi thọ dự kiến 15 năm, thế nhưng chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động, hàng loạt tấm pin của một dự án tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã bị cháy, phải thay thế. Không biết làm gì hơn, chủ đầu tư đành cất vào kho chờ ngày “Nhà nước có phương án xử lý”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trường Tiến, một nhà phân phối sản phẩm tấm quang năng cho biết, tới nay, “số phận” của những tấm pin mặt trời nhập khẩu về Việt Nam đều chưa tính kỹ đến tình huống xử lý ra sao.

“Trên thị trường, mỗi hãng sản xuất có nhiều nhà phân phối, lại qua nhiều khâu trung gian. Dù khâu nào cũng có điều khoản hợp đồng sau khi hết hạn “những tấm pin sẽ đưa ngược trở lại hãng sản xuất”, song chỉ cần một khâu chuyển kinh doanh thì biết biết tìm ai? Trong kinh doanh không có gì chắc chắn, bởi thời thế tạo nghề, đến khi đầu tư ĐTM bão hòa, đầu tư không còn lợi nhuận, khó có thể nói trước các DN còn duy trì sản xuất và đợi các tấm quang năng quay trở lại”, ông Tiến dẫn giải.

Cũng theo ông Tiến, không phải nhà sản xuất nào cũng cung ứng tấm pin chất lượng cao, đặc biệt mới đây lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các vụ nhập lậu tấm tế bào quang điện (thành phần chính cấu tạo nên tấm pin năng lượng mặt trời) với số lượng “khủng”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng, một nhà thầu chuyên xây lắp các hệ thống ĐMT khu vực miền Nam cho biết, hầu hết các dự án ĐMT ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải pin mặt trời vì đây là một mô hình đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm.

“Khó khăn ở chỗ, pin mặt trời được cấu tạo phức tạp, không có cấu trúc nhất định mà mỗi nhà sản xuất có những công nghệ khác nhau. Hơn nữa, không có quy chuẩn nào về cấu tạo nên việc đánh giá loại hợp chất nào nguy hiểm, phải tái chế như thế nào... Vì vậy, doanh nghiệp chọn cách “cứ làm trước tính sau!”, ông Hồng cho biết.

Tương tự, khi được hỏi về các biện pháp xử lý rác thải pin mặt trời, đại diện EVN cũng cho biết, các dự án ĐMT trực thuộc đều ký hợp đồng với đơn vị cung cấp tấm pin với điều khoản nhà cung cấp sẽ thu hồi các tấm pin khi hết hạn sử dụng.

“Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng tái chế rác thải pin mặt trời, tuy nhiên, cần phải có lộ trình, nên việc trả lại nơi sản xuất là phương án tốt nhất bây giờ”, vị đại diện chia sẻ.

Hệ lụy khôn lường từ dòng pin giá rẻ

Phân tích thành phần cấu tạo pin mặt trời, TS. Phạm Anh Tuân (Đại học Điện lực), nhận định: “Nói lượng pin mặt trời thải ra không có nhiều ý nghĩa bằng việc phân tích chất lượng bên trong tấm pin đó như thế nào, có chứa thành phần độc hại ra sao?

Tuy nhiên, rất tiếc ở Việt Nam hiện nay, công nghệ mới chỉ dừng lại ở việc phân tích thành phần chiếm tỷ trọng lớn, rất khó có thể phát hiện những vật liệu phụ đi kèm, nhất là khi các nhà sản xuất tìm cách ẩn đi”.

Theo ông Tuân, hiện trên thị trường có 2 dòng sản phẩm phổ biến gồm: Pin mặt trời từ tinh thể silic (silicon) và pin năng lượng mặt trời Cadmium Telluride (CdTe).

Theo đó, dòng CdTe là công nghệ màng mỏng duy nhất có chi phí thấp hơn pin mặt trời silicon thông thường, thời gian hoàn vốn ngắn nhất trong tất cả các loại công nghệ năng lượng mặt trời, tuy nhiên lại chứa nhiều yếu tố độc hại, nhất là khi ngấm vào đất, nước.

Đối với dòng pin silic, thành phần chủ yếu từ cát tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng rất khó có thể nói an toàn: “Trong quá trình tinh luyện, có thể có nhiều chất phụ gia, vật liệu gây độc. Quá trình sản xuất này lại rất khó được kiểm soát tại các nước đang phát triển”, ông Tuân cho hay.

Đáng chú ý, với dòng pin mặt trời giá rẻ được tuồn vào Việt Nam, ông Tuân cảnh báo nguy hại khôn lường: “Có những mẫu pin khi test (kiểm định) không đạt yêu cầu, nhà sản xuất lại tìm cách bán ra thị trường với giá rẻ.

Tuổi thọ của sản phẩm xuống rất nhanh, thực tế tại Việt Nam, đã có những dự án 3 - 5 năm đã hỏng. Hệ lụy rõ nhất là khi vòng đời pin càng ngắn thì lượng đào thải ra ngoài sẽ càng lớn”.

Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề thu gom tái chế pin mặt trời trên thế giới tới nay cũng chưa được làm rõ.

“Tại những nước phát triển, có những nghiên cứu cho thấy có thể tái chế và thu gom hơn 90% thành phần pin mặt trời, tuy nhiên chi phí tái chế chưa được tiết lộ. Đáng nói, những nguyên tố độc hại dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong pin mặt trời nhưng nếu không được xử lý lại thì cũng coi như vô ích”, ông Tuân nói.

Loay hoay phương án xử lý

Trước câu hỏi về việc thu gom, tái chế pin mặt trời, đại diện Bộ Công thương thông tin: “Bộ TN&MT đang lên phương án xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có nêu: Chủ đầu tư cũng có trách nhiệm về vấn đề này trong hợp đồng mua bán tấm quang năng với các bên liên quan”.

Theo vị đại diện, về mặt kỹ thuật, rác thải tấm quang năng có thể tái chế được. Hơn nữa, khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh, trong khi, thành phần của tấm quang năng có đến 95% là dùng lại được ngay, còn lại chỉ 5% là cần xử lý chuyên sâu.

Về phía Bộ TN&MT, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, không giống với các loại pin, ắc quy có chức năng tích điện, tấm pin năng lượng mặt trời khi thải bỏ không thuộc mã chất thải nguy hại.

Cũng theo ông Hiền, Bộ TN&MT sẽ tham mưu Chính phủ đưa tấm pin mặt trời vào danh mục sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi, tái chế.

Trong thời gian chưa có quy định mới, Bộ sẽ hướng dẫn quản lý tấm pin mặt trời thải bỏ theo quy định về quản lý chất thải. Tuy nhiên tới nay vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể. “Một số nước đã có công nghệ xử lý tái chế, còn ở Việt Nam mới đang nghiên cứu xem phương án cụ thể như thế nào cho phù hợp”, ông Hiền cho hay.

Sẽ có 1,9 triệu tấn pin mặt trời thải loại vào năm 2045

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, theo Bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW; tương ứng khối lượng tích lũy chất thải tấm quang năng ước tính 404.000 tấn vào năm 2030 và vào khoảng 1.900.000 tấn vào năm 2045. Song, đến nay Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì về việc xử lý chất thải tấm quang năng sau khi hết hạn.

Theo ông Sính, tuổi thọ cơ học của các tấm quang năng có thể đến 25 - 30 năm hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, người ta có thể thay thế các tấm quang năng trước khi hỏng do hiệu suất bị giảm, phát ra ít điện hơn. Hoặc các tấm quang năng có thể bị hỏng trong quá trình vận chuyển, lắp đặt hay trường hợp mua phải hàng trôi nổi kém chất lượng... “Cần làm rõ trách nhiệm để làm cơ sở pháp lý cho việc tái chế, tránh vết xe đổ từ nhiệt điện than, sau gần 50 năm xây dựng, mỗi năm thải ra khoảng 18.000.000 tấn tro xỉ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đầy đủ các chính sách, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý tro xỉ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.