Hạ tầng

Dễ ăn “quả đắng” khi chạy đua mở trung tâm đăng kiểm

24/05/2020, 06:51

Sau hơn 1 năm bỏ quy hoạch, trung tâm đăng kiểm mới tăng chóng mặt. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư hoàn thiện xưởng nhưng chưa thể tiếp nhận xe.

img
Kiểm tra viên của Cục Đăng kiểm VN phúc tra kết quả kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm ở Vĩnh Phúc

Thẩm định kỹ hồ sơ đầu tư

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội vừa được cấp phép hoạt động theo Nghị định 139/2018 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) chia sẻ, nghị định không giới hạn số lượng đơn vị đăng kiểm nên khi quy định mới có hiệu lực, doanh nghiệp (DN) đôn đáo tìm vị trí mở trung tâm nhằm “xếp lốt” sớm hơn nhà đầu tư khác (Cục Đăng kiểm VN cấp mã số đơn vị đăng kiểm theo thứ tự đăng ký dự định đầu tư - PV).

Điều đáng nói, sau gần một năm, khi đơn vị hoàn tất các thủ tục, hoàn thành xây dựng và sắp đi vào hoạt động thì lại phát sinh thêm việc chờ ý kiến của các sở, ngành chức năng của địa phương. Trong khi đó, các trung tâm thành lập trước đó không phải qua bước thủ tục này.

“Hầu hết trung tâm khác khi làm thủ tục đầu tư chỉ cần hồ sơ đáp ứng theo quy định tại Nghị định 139 là được Cục Đăng kiểm VN xem xét, chấp thuận ngay mà không phải chờ ý kiến của địa phương. Còn đơn vị tôi phải chờ ý kiến của Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT. Mừng là chúng tôi không phải bổ sung thủ tục, không mất nhiều thời gian chờ đợi”, giám đốc đơn vị đăng kiểm trên nói.

Đại diện một số trung tâm đăng kiểm khác cho biết thêm, từ khi bỏ quy hoạch, đầu tư trung tâm đăng kiểm không phải lập dự án, xin địa phương chấp thuận chủ trương, chỉ cần có đất hợp pháp, xin giấy phép xây dựng và thông báo với Cục Đăng kiểm VN.

“Chỉ cần tìm được đất hợp pháp, mục đích sử dụng là sản xuất kinh doanh, với diện tích mặt bằng đáp ứng theo quy chuẩn trung tâm đăng kiểm, gần như chắc chắn thành lập được trung tâm đăng kiểm. Còn bây giờ sẽ khó hơn, vì các cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ hơn, nhất là về quy hoạch sử dụng đất, nguồn gốc đất, địa điểm xây dựng cụ thể, môi trường… Có thể có trường hợp xây dựng xong, được cấp mã số đơn vị đăng kiểm nhưng không được cấp giấy phép hoạt động”, ông Nguyễn Thành C., lãnh đạo một đơn vị tư vấn đăng kiểm nói.

Thực tế, cũng đã có trường hợp đầu tư xong cơ sở vật chất nhưng trung tâm đăng kiểm không thể hoạt động. Chẳng hạn, Trung tâm Đăng kiểm 90-04D Bắc Giang đã xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt xong thiết bị kiểm định nhưng vài tháng nay vẫn phải “đắp chiếu” do đất nằm trong phạm vi bến xe.

Hay tại Hải Phòng, vừa qua, một trung tâm đăng kiểm bị địa phương xử phạt do quá trình đầu tư không tuân thủ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, gần đây Cục Đăng kiểm VN tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền các địa phương trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm đăng kiểm.

Ủng hộ quan điểm trên, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V cho rằng: “Cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương để ngăn tình trạng nhà đầu tư lách luật, chỉ cần thuê được đất sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm ít thiết bị là thành trung tâm đăng kiểm”.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện toàn quốc có 207 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động. Trong đó, riêng năm 2019 có 32 đơn vị được thành lập. Số lượng đăng ký đầu tư đang tiếp tục gia tăng, bởi đang có 46 nhà đầu tư đã đăng ký thành lập trong năm 2020.

Sau một năm thực hiện Nghị định 139, vướng mắc nhất khi thành lập trung tâm đăng kiểm là hồ sơ đất đai. Vì thế, Cục Đăng kiểm VN tăng cường phối hợp với các địa phương trong quản lý đầu tư đơn vị đăng kiểm. Trường hợp hồ sơ đầu tư không được địa phương chấp thuận chủ trương, Cục Đăng kiểm VN sẽ xin ý kiến địa phương. Điều này để tránh tình trạng nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật đầu tư, mở trung tâm đăng kiểm tại khu vực có thể ảnh hưởng đến dân sinh hoặc quá gần nhau.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN


Ngoài Hà Nội và TP HCM tập trung nhiều đơn vị đăng kiểm (20 - 30 trung tâm), hiện hơn chục địa phương có 6 - 7 trung tâm. Sắp tới, số địa phương có trên dưới 10 trung tâm gia tăng nhanh như tại: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Bình Dương, Hải Phòng… Việc gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm giúp chủ phương tiện không phải đi xa, giảm thời gian chờ đợi, song cũng kéo theo mặt trái nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, kiểm định dễ dãi, thậm chí bỏ qua lỗi kỹ thuật để thu hút xe đến đăng kiểm.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, một số đơn vị đăng kiểm tại TP HCM như: Trung tâm 50-03S, 50-12D... để xảy ra việc đăng kiểm viên bỏ qua khiếm khuyết kỹ thuật quan trọng của xe ô tô, song vẫn chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn để nhận tiền của chủ xe. Tại Đồng Nai, Hải Dương, Quảng Trị, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang…, một số trung tâm đăng kiểm cũng để xảy ra vi phạm cố ý bỏ qua lỗi kỹ thuật phương tiện”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Cũng theo Cục Đăng kiểm VN, trong số hơn chục đơn vị đăng kiểm bị xử lý, đăng kiểm viên trực tiếp vi phạm bị đình chỉ 1 - 3 tháng, 4 đơn vị bị đình chỉ dây chuyền hoặc toàn bộ hoạt động kiểm định.

“Để kiểm soát chất lượng kiểm định, Cục Đăng kiểm VN thực hiện giám sát trực tuyến qua phần mềm quản lý đăng kiểm, hình ảnh trực tuyến và lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm, kết hợp thường xuyên phúc tra đột xuất kết quả đăng kiểm”, ông Đặng Trần Khanh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.