Kết quả phòng, chống tham nhũng 10 năm qua đã đạt được rất ấn tượng, chưa từng có, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước rất cao.
Ảnh minh họa
Nhưng thực tế đang cho thấy, sự quyết tâm ấy chưa đủ sức răn đe những kẻ tham nhũng, tiêu cực. Nó như một căn bệnh dịch hạch đã lan ra khắp các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Lấy ví dụ như giai đoạn chống dịch Covid-19 vừa qua, có những CDC, vừa bắt ông giám đốc đời trước vì tiêu cực mua sắm máy móc, thì lại phải bắt ông giám đốc đời sau vì tham nhũng trong đấu thầu mua sắm vật tư xét nghiệm trong vụ Việt Á.
Bởi thế, kết quả chống tham nhũng xem ra còn chưa bền vững. Đòi hỏi cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực phải có giải pháp tổng thể, căn cơ lâu dài.
Có nhiều loại tham nhũng, có loại tham nhũng vặt, tham nhũng hành chính công vụ, kiểu nhũng nhiễu của cán bộ công chức, chủ yếu là cấp thấp.
Còn tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta tập trung chống thời gian qua, đó là tham nhũng chính sách, đánh vào lợi ích nhóm, cài cắm vào chính sách để trục lợi, là tham nhũng thông qua mua sắm công từ Trung ương đến địa phương như vụ Việt Á.
Ngoài ra, còn có tham nhũng trong đầu tư công, tham nhũng bán rẻ đất đai tài nguyên, tham nhũng trong liên kết công tư để trục lợi, tham nhũng trong cổ phần hóa…
Muốn chống tham nhũng, tiêu cực bền vững và triệt để thì phải chặn được gốc tham nhũng, đó là phải có các công cụ giám sát quyền lực.
Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, tức phải có đầy đủ, đồng bộ các biện pháp để kiểm soát cho được quyền lực của tất cả những ai được giao quyền lực.
Ví dụ, chúng ta đang triển khai quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, đối tượng kê khai tài sản như hiện nay quá rộng, lên đến hàng triệu người, kê khai xong nộp cho hành chính cơ quan, sau đó niêm yết một cách hình thức rồi cất vào tủ thì rất khó giám sát, kiểm soát, chưa phát huy được tác dụng phòng, chống tham nhũng.
Muốn hiệu quả thì đối tượng kê khai cần thu gọn, khi kê khai rồi phải thực sự công khai, minh bạch để mọi cơ quan báo chí, mọi người dân đều dễ dàng thấy được, giám sát được.
Chỉ cần dăm, mười nghìn người phải kê khai tài sản thôi nhưng dữ liệu kê khai phải mở hoàn toàn để mọi người dân có thể giám sát, thêm 1 cái nhà là dân cũng biết.
Để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh đều do người đứng đầu Đảng ở cấp đó phụ trách. Nhưng ai sẽ giám sát lực lượng làm nhiệm vụ chống tham nhũng?
Nếu chỉ có các cơ quan của Đảng (Ủy Ban kiểm tra các cấp) thôi là chưa đủ để kiểm soát quyền lực.
Vì thế cần có sự giám sát chéo, tức là ngay cả lực lượng chống tham nhũng cũng phải hoạt động công khai minh bạch, chịu sự giám sát của báo chí và nhân dân.
Như thế, phải có cơ chế đề cao vai trò giám sát của báo chí và nhân dân trong chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng rất tiếc, gần đây các cơ quan báo chí đang bị siết tôn chỉ mục đích, nên rất khó tiếp cận thông tin, điều tra tham nhũng tiêu cực, vì phần lớn các báo chỉ được phép điều tra, phản ánh tiêu cực trong chính ngành mình.
Đây là vấn đề cần xem xét lại, bởi chẳng có tờ báo nào lại đi “vạch áo cho người xem lưng” cơ quan chủ quản. Vô hình chung, báo chí đang dần bị “trói tay” trong cuộc chiến này.
Còn với người dân, dù đã có Luật về quyền tiếp cận thông tin nhưng ngay cả việc tiếp cận thông tin bình thường cũng không dễ, nói chi đến việc tiếp cận bản kê khai tài sản của quan chức. Như vậy, làm sao có thể giám sát?!
Ngoài ra, song song với phòng, chống tham nhũng, rất cần tăng lương cho cán bộ, công chức. Bởi chúng ta không thể đòi hỏi cán bộ liêm chính, khi đồng lương không đủ chi trả cho những nhu cầu thiết yếu tối thiểu của cuộc sống.
Lê Nghiêm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận