Dù công tác giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên, song từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư/ban QLDA cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức trung bình của cả nước từ 8 - 10%.
Bộ GTVT là điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải
Đối với các dự án chậm tiến độ, trong các cuộc họp giao ban định kỳ, lãnh đạo Bộ đều yêu cầu rà soát, lập lại kế hoạch thi công chi tiết, xác định lại giá trị giải ngân (tính cả phần khối lượng bị chậm) để có cơ sở đôn đốc, chỉ đạo.
Có những dự án trong diện báo động về tiến độ, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Trong số này, điển hình là dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.
Tính đến hết tháng 7/2022, đây là một trong những dự án “đội sổ” về tiến độ khi sản lượng thi công chỉ đạt gần 7% giá trị hợp đồng, chậm tới 20% so với kế hoạch. Một phần nguyên nhân chính được xác định do công tác bàn giao mặt bằng chậm (tính đến hết tháng 7, mặt bằng mới bàn giao 15,3/39,07km). Khối lượng giải ngân cũng chỉ đạt 32%, chậm tới khoảng 30% so với kế hoạch đăng ký.
Trước tình hình đó, cuối tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã trực tiếp vào kiểm tra hiện trường, đề nghị địa phương đôn đốc công tác GPMB nhanh hơn nữa để nhà thầu có công địa thi công. Sau đó, địa phương đã cam kết hết tháng 8/2022 sẽ hoàn thành dứt điểm vấn đề mặt bằng.
Mạnh tay hơn nữa đối với các dự án giao chậm chây ì tiến độ, Bộ GTVT cũng liên tục rà soát, gửi văn bản thông tin đến Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án chậm tiến độ để phối hợp đôn đốc, nhắc nhở.
Điển hình là dự án nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, tính đến hết tháng 7/2022, sản lượng thi công dự án tính đến hết tháng 7 vẫn chậm 6% so với kế hoạch. Nguy hiểm hơn là công tác nghiệm thu, giải ngân tại dự án qua 7 tháng chỉ đạt chưa đến 3%.
Xác định sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu giải ngân chung của ngành, Bộ GTVT đã có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư và gửi văn bản đề nghị các cấp chức năng tỉnh Hà Nam phối hợp đôn đốc tiến độ.
Đối với trường hợp này, nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm tiến độ giải ngân, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng đầu tư, dành vốn đầu tư cho các dự án cấp bách. Với dự án bị “rút vốn”, địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn ngân sách của tỉnh để tiếp tục đầu tư...
Dù đã đạt được những kết quả khả quan, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là điểm sáng giải ngân đầu tư công, song khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT còn rất lớn.
Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp, nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022...
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trăn trở của ông: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”…
Vì thế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần được xem như một trong những nhiệm vụ then chốt của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Nam Khánh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận