Bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Chiều 25/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục được diễn ra.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương.
Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy
"Việc quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ban, ngành cũng như mở rộng trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai.
Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ cách thức giải quyết tranh chấp đối với đối tượng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trong thực tế, nhóm người tiêu dùng này thường là đối tượng yếu thế trong xã hội và thường bị thiệt thòi khi giải quyết tranh chấp, do địa bàn sinh sống ở xa, đi lại khó khăn; bất đồng ngôn ngữ; bị hạn chế do khả năng nhận thức, vận động.
Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
Bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
Theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp (bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên).
Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử; tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận