ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị bổ sung tội "ăn quỵt" vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) |
Trong phiên thảo luận tại hội trường về Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 16/6, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị đưa một số tội danh như Tội rửa tiền, tội làm giàu bất chính vào luật.
Đặc biệt, ĐB Đương đề xuất: “Cần tội phạm hóa hành vi “ăn quỵt” hay tội “bội tín” bởi trên thực tế có quá nhiều vụ việc vay không trả mà số tiền lớn hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì những hành vi bội tín, ăn quỵt của các đối tượng cố tình chiếm đoạt tiền của người khác”.
Liên quan đến việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào luật, ĐB Đương cho rằng, truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân là cần thiết. Vì mọi hoạt động pháp nhân thông qua cá nhân, nhưng có những hành vi cá nhân không phải tạo lợi ích riêng cho cá nhân mà tạo ra lợi ích cho pháp nhân. Trừng phạt pháp nhân là phù hợp, vì cá nhân không đủ năng lực”.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Bộ luật hình sự dự kiến sẽ bỏ 8 tội danh không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong đó có Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng cần rà soát để bỏ thêm các tội danh có cấu thành không xác định hành vi phạm tội cụ thể, mà qua thực tế áp dụng đã bộc lộ bất cập, ví dụ: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cho ý kiến thảo luận về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Quốc hội đang rất cố gắng để sửa đổi các bộ luật theo hướng quán triệt tinh thần Hiến pháp 2013. Đó là đảm bảo tốt hơn quyền tự do của công dân, quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phù hợp xu hướng tiến bộ, xây dựng nước Việt Nam văn minh. Vì thế, không để tình trạng Hiến pháp mở ra còn các bộ luật, điều luật đóng lại.
”Hiến pháp quy định mọi người được tự do kinh doanh và nguyên tắc thông lệ quốc tế là không hình sự hóa quan hệ kinh tế và dân sự. Đây là vấn đề không mới, nhưng nếu làm rõ lại là rào cản công cuộc đổi mới, sáng tạo, làm nản lòng nhiều doanh nhân” – ông Vinh cho biết.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh |
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, trong lĩnh vực kinh tế thì những sai phạm đều nhằm thu lợi nhuận nhiều hơn, không đúng các nguyên tắc quy định, mục tiêu là tiền. Do đó, trừ việc gây ra nguy hiểm cho xã hội, còn lại nên xử bằng biện pháp kinh tế để thu hồi khoản tiền họ mong muốn đạt được, có thể phạt nặng hơn để chống tái diễn. Hình sự hóa chưa chắc giải quyết được vì nhiều vụ xử rồi thì không thu hồi được tài sản, trong khi nếu để người vi phạm đền bù thì tố hơn và thực tế có người còn thành anh hùng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
“Luật không làm rõ sẽ là rào cản, khó động viên mọi người đầu tư, đóng góp, sáng tạo, đổi mới. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp nên quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước” – ông Vinh nhấn mạnh và cho biết thêm, ông ủng hộ hướng bỏ tội Kinh doanh trái phép và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này không đồng nghĩa chúng ta không xử lý những hành động sai phạm mà cần được quy định rất cụ thể ở từng lĩnh vực một.
“Chúng ta cần phải có một thảo luận, có thể các doanh nghiệp, cơ quan chức năng quản lý kinh tế cùng tham gia với Ban soạn thảo đóng góp cho từng điều luật để đảm bảo được theo tinh thần Hiến pháp, tạo ra động lực cho đất nước phát triển. Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà Luật hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, không minh bạch thì không ai dám bỏ tiền làm ăn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận