Xã hội

Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.

Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) phản ánh tâm tư của cử tri ngành y tế, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH sau đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế.

Vấn đề thứ hai, đại biểu nêu sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con, chỉ vì không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.

Đề nghị quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP.HCM)

Tuy nhiên, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.

Nan giải từ thiếu thuốc đến vật tư y tế

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh Bình Định) tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc thời gian qua mà đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đưa ra trong cuộc thảo luận chiều 31/10. 

Chiều 31/10, phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng, vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế đã được đại biểu đưa ra từ các kỳ họp trước song trong báo cáo của Chính phủ còn sơ sài về hướng xử lý, và thực trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra lác đác.

"Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta", đại biểu Phong Lan nêu và đề nghị có bổ sung tình hình chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm để giải quyết một số những bệnh đặc biệt, một số trường hợp đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, đã mua được thuốc tốt, thuốc phổ thông không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, việc mua bán vật tư y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân về khách quan, có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Bệnh viện Đại học Y thuộc nhóm trực thuộc Bộ Y tế được phân cấp mạnh, Thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt chịu trách nhiệm, do đó không bị thiếu thuốc men nhưng "khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm. Chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

ĐBQH: Bệnh viện tỉnh khổ vì sở y tế sợ sai, tìm lỗi để trả hồ sơ mua sắm vật tư  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định).

Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

Bên cạnh đó, ông Hiếu còn chỉ ra vấn đề nhiều năm nay việc cấp phép nhập khẩu sử dụng dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc.

"Ngay cả tôi cũng phải đưa bệnh nhân ra nước ngoài để chữa vì không có đủ dụng cụ do không thể nhập khẩu được. Các hãng lớn nhìn thấy các quy định trình tự thủ tục thời gian trung bình để được cấp phép đã lắc đầu ngao ngán, có những công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam", ông Hiếu nói.

Theo đại biểu đoàn Bình Định, với bệnh viện tỉnh, khó khăn càng nhiều hơn, vì có rất nhiều khâu phê duyệt kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào sở y tế, sở tài chính, UBND. Các cơ quan lại sợ trách nhiệm dẫn đến trì hoãn. 

"Hồ sơ để trên bàn không đọc gần hết hạn thì tìm ra vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở, sửa xong nộp lại thì tìm thêm lỗi khác. Cứ như vậy hết thời gian quy định thẩm định cuối cùng không có hàng sử dụng", ông Hiếu nhấn mạnh và đề xuất giao trách nhiệm cho các bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm trước bệnh nhân, pháp luật.

Giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế 

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần ba năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế.

Cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công. Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

ĐBQH: Bệnh viện tỉnh khổ vì sở y tế sợ sai, tìm lỗi để trả hồ sơ mua sắm vật tư  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đối, bà Lan cho biết báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. 

Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý… 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.