Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua |
Chiều 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 18/11.
Xem xét, thông qua Bộ luật hình sự, Luật về Hội
Liên quan đến những vấn đề nóng gây bức xúc dư luận và được người dân quan tâm thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung vào chương trình của kỳ họp thứ hai việc Chính phủ báo cáo 3 vấn đề mà người dân quan tâm: Nợ công, phòng chống tham nhũng và Formosa. Đặc biệt, theo ông Hải, Chính phủ cần có báo cáo riêng về việc khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tiền bồi thường đã đến được với người dân chưa, tiến hành các biện pháp khôi phục môi trường biển thế nào, điều chỉnh công nghệ ra sao.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến và Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý bày tỏ mong muốn có nội dung báo cáo về các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu trong danh mục Quốc hội phải giám sát.
Đồng tình với các kiến nghị trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Vấn đề Formosa chắc chắn được các đại biểu tiếp tục đặt ra, không chỉ là khắc phục hậu quả do Formosa gây ra mà cả việc phát triển kinh tế bốn tỉnh miền Trung và giám sát các dự án, khu công nghiệp ven biển ở khu vực này”. Cũng yêu cầu được biết các dự án nghìn tỷ đắp chiếu “mỗi ngày lỗ bao nhiêu, trách nhiệm như thế nào, cách khắc phục ra sao”, Chủ tịch Quốc hội còn nhắc “vấn đề bôxít Tây Nguyên lâu nay im hơi lặng tiếng quá”.
Về nội dung xây dựng luật, Kỳ họp thứ 2 tới đây dự kiến xem xét, thông qua bốn dự án luật, trong đó có Bộ luật Hình sự sửa đổi (sau khi đã lùi thời hạn thi hành do có nhiều sai sót về kỹ thuật) và Luật về Hội. Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Quốc hội nên dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường về những văn bản quan trọng này.
“Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa dùng hình tượng “sợi dây kinh nghiệm” khi nhắc đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính trong thu chi ngân sách của Chính phủ trong phiên thảo luận sáng cùng ngày về Tờ trình về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Đây là dự án khiến người dân khiếu kiện suốt trong 10 năm qua do cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.
Bộ trưởng KH&ĐT bị nhắc nhở vì vắng họp Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do Bộ KH-ĐT thay mặt Chính phủ báo cáo. Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thẳng thắn nhắc nhở sự vắng mặt của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. “Theo nguyên tắc đã được Chính phủ thống nhất Thường vụ Quốc hội là những tờ trình của Chính phủ phải do đích thân Bộ trưởng, trưởng ngành dự họp và trình bày. Còn trường hợp Bộ trưởng vắng mặt thì Phó thủ tướng phải thay mặt Chính phủ trình bày”, ông Hiển thẳng thắn phát biểu. |
Theo Tờ trình của Chính phủ, do không thực hiện được chủ trương “đất đổi đất” trong đền bù GPMB về di dân tái định cư, vì quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên - Huế có hạn nên Chính phủ đề xuất sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù để đền bù cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài 10 năm qua của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, dù thế nào cũng không để người dân khổ thêm nữa, vì đây là trách nhiệm Nhà nước phải lo. “10 năm nay mà bây giờ chúng ta ngồi đây bàn về vấn đề này là do tắc trách, sai thẩm quyền không thực hiện đúng các Nghị quyết đã ban hành. Chúng ta thường có tình trạng làm xong rồi là rút kinh nghiệm và sợi dây này nó dài từ năm này tháng nọ, rút hoài không hết. Hôm nay lại rút kinh nghiệm nữa. Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ”, Chủ tịch Quốc hội nghiêm khắc nhận xét. Tuy nhiên, để lo cho dân, bà Ngân đồng ý “cho Chính phủ rút kinh nghiệm một lần nữa”.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng lưu ý: “Chính phủ đã gửi thông điệp liêm chính thì phải thực hiện, không thể liên tục rút kinh nghiệm”.
Sau thời gian thảo luận căng thẳng, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thu hồi hơn 77 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ nhưng không sử dụng hết trong hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch) để bố trí cho hợp phần đền bù di dân, tái định cư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận