Doanh nghiệp

Quốc hội điểm mặt những dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"

12/07/2016, 09:07

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong những dự án nghìn tỷ hiện đang đắp chiếu vì thua lỗ...

nha-may-dam-ninh-binh

Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình

Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại và thách thức cần có giải pháp đồng bộ để xử lý.

Trình ra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đã điểm danh nhiều dự án thua lỗ, đắp chiếu.

Điển hình như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.

Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. 

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.

Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là dự án vốn Nhà nước thấp, thậm chí thất thoát mất vốn. Đây cũng là khó khăn cần giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, đồng thời với việc giải ngân, tăng cường đầu tư thì Chính phủ đang quyết liệt trong kiểm soát thực hiện đầu tư xây dựng.

“Không thể đầu tư nhanh nếu chúng ta để thất thoát được. Thất thoát trong thời gian qua cũng rất bức xúc nên lần này tập trung để tăng cường kiểm soát từ khâu chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thực hiện đầu tư đến đưa vào khai thác sử dụng công trình. Và như vậy có thể nâng cao được hiệu quả đầu tư xây dựng” – Phó Thủ tướng nói.

Trước tình hình trên, bên cạnh việc chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không đúng, chậm trễ triển khai và gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại tài sản nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó là quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả. Xây dựng phương án đổi mới phương thức hoạt động Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng của nhà nước tại Tổng công ty này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.