Hỏi - Đáp

Để người vi phạm chống đẩy rồi "tha": CSGT đúng hay sai?

30/03/2020, 12:43

Theo luật sư, CSGT "phạt" người vi phạm chống đẩy là không đúng quy định, nhưng phải xem xét tình huống này người vi phạm có tự nguyện không.

img
Tài xế chống đẩy trước mặt CSGT vì không đeo khẩu trang phòng Covid-19

Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao trước clip CSGT “phạt” người vi phạm “chống đẩy”. Sáng 30/3, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận, vụ việc xảy ra tại địa bàn vào sáng 28/3.

Theo đó, sáng 28/3, tổ công tác CSGT Công an tỉnh Bắc Giang làm nhiệm vụ trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang phát hiện 3 xe ô tô con dừng, đỗ trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang để cho người trên xe xuống, đi vào khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Tổ công tác đã yêu cầu các tài xế xuất trình giấy tờ và thông báo lỗi vi phạm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc. Các tài xế muốn gửi Tổ công tác ít tiền để mong bỏ qua vi phạm, nhưng Tổ công tác từ chối và yêu cầu các tài xế di chuyển.

Vì thấy những người vừa xuống xe là người nước ngoài và các tài xế đều không đeo khẩu trang, nên cán bộ Tổ công tác đã nhắc nhở các tài xế đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Và các tài xế đã tự nguyện chống đẩy để chứng minh sức khỏe của mình, vui vẻ hứa lần sau sẽ không tái phạm.

Hiện, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu 2 cán bộ để các tài xế chống đẩy làm bản tường trình, kiểm điểm rõ vụ việc.

Luận bàn về sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trước tiên phải tuyên dương tinh thần cương quyết không nhận hối lộ của các chiến sĩ CSGT ở Bắc Giang.

“Nhưng ở đây mọi người đang bàn luận về việc CSGT “phạt” người vi phạm chống đẩy là đúng hay sai? Trước khi luận bàn về việc này thì chúng ta cần xác định những người vi phạm này thực hiện hành vi chống đẩy là tự nguyện hay bắt buộc. Nếu những người vi phạm này tự nguyện chống đấy thì CSGT không sai.

Còn nếu CSGT bắt người vi phạm giao thông chống đẩy như vậy thì không đúng theo quy định pháp luật. Bởi trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang có hiệu lực không có hình phạt nào bắt người vi phạm “chống đẩy”, luật sư Bình cho hay.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu xác định các lái xe dừng đỗ không đúng quy định trên cao tốc thì CSGT có thể căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP để xử phạt về lỗi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc. Mức phạt dành cho xe ô tô vi phạm quy định này là từ 6 - 8 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Luật sư Bình cho rằng cả người vi phạm và CSGT đều có một chút “tấu hài” không có động cơ mục đích gì nhưng hành vi bắt người vi phạm giao thông thực hiện hành vi không có trong luật thì cũng nên nhắc nhở, để tránh tình trạng này lặp lại.

“Dù người chống đẩy vui vẻ thực hiện nhưng điều này không đúng theo quy định của pháp luật. Việc CSGT tỉnh Bắc Giang kiểm điểm tổ công tác này là cần thiết, để tránh sự việc này tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của CSGT”, luật sư Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.