Không được phép sơ sảy
Chọn chuyến tàu đêm cho chuyến công tác Đà Nẵng vào những ngày cuối năm 2018, tôi có mặt tại ga Hà Nội rất sớm. 21h, tàu SE1 đã nằm ngay ke ga số 1, nhân viên hối hả làm các tác nghiệp chuẩn bị đón khách. Người kiểm tra các trang thiết bị phục vụ khách, người kiểm tra toa xe, người lo chuẩn bị thực phẩm… Trưởng tàu Hoàng Mạnh Tường (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) đi dọc đoàn tàu, cẩn thận kiểm tra từng toa.
“Tất cả phải sẵn sàng, nhất là thiết bị an toàn mới yên tâm đón khách lên tàu”, anh Tường chia sẻ.
Gần 20 năm trong nghề, những chuyến tàu Tết đã trở nên quen thuộc nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc nhớ nhà. Chuyến tàu đêm Giao thừa vắng khách, cả toa ghế ngồi chỉ có một mình phải trực an toàn, còn hành khách, anh em tổ tàu được lên toa hàng cơm để chung vui đón Giao thừa. Những lúc ấy, nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ mẹ ở quê, không biết mọi người chuẩn bị đón Tết ra sao, cúng Giao thừa có ấm cúng không. Cũng bùi ngùi, rưng rưng. Nhưng đã là nghề, là nhiệm vụ, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành. Miễn sao kết thúc chuyến đi an toàn, suôn sẻ là niềm vui lớn nhất.
Anh Hoàng Văn Ngỏ,
Phó tàu phụ trách an toàn
22h20, sau hồi còi dài, đoàn tàu dịch chuyển, từ từ lăn bánh rời ga Hà Nội. Dẫn tôi đi dọc đoàn tàu, anh Tường cho biết, ngày đầu tuần, lại dịp thấp điểm rồi hè đã qua từ lâu mà Tết lại chưa tới nên thưa vắng khách. Cả đoàn tàu mười mấy toa, nhưng chỉ gần 200 hành khách, chủ yếu ở toa ghế ngồi, đi chặng ngắn. Nhưng dù đông hay vắng, dịp lễ Tết hay ngày thường, nhân viên đường sắt vẫn phải thực hiện đầy đủ tác nghiệp.
“Để có một chuyến tàu an toàn, bình yên phụ thuộc vào nhiều bộ phận nên ngành Đường sắt quy định rất nghiêm ngặt với nhiều lớp canh gác an toàn và giám sát lẫn nhau: Lái tàu, nhân viên trên tàu, nhân viên ở ga, thợ khám toa xe, nhân viên tuần gác dọc đường sắt. Chỉ một người, một bộ phận lơ là, sơ sảy là có thể xảy ra hậu quả thảm khốc ngay”, Trưởng tàu Tường nói.
Dừng lại cuối toa ghế ngồi, chỉ tay về Phó tàu phụ trách an toàn Hoàng Văn Ngỏ đang ngồi chăm chú nhìn qua cửa sổ, anh Tường vừa nói: “Như anh Ngỏ, mấy tiếng đồng hồ lên ban phải cắm chốt thường trực ở đây, vì phải quan sát hai bên đường, làm tín hiệu an toàn với các nhân viên mặt đất”.
Chưa kịp chào hỏi, anh Ngỏ đã vội đứng dậy, mở cửa sổ, tay cầm cờ đưa ra ngoài. Vì trời tối, chỉ thấy người trực ban chạy tàu đang giơ cờ làm tín hiệu an toàn cho tàu qua trên sân ga ánh đèn vàng hiu hắt nên anh Ngỏ giơ cờ ra làm tín hiệu.
“Trước mỗi chuyến tàu, các toa xe đều phải được chỉnh bị, kiểm tra, sửa chữa bộ phận chạy dưới gầm, nội thất, các trang thiết bị trong toa. Vì vậy, dù tối mịt tàu mới chạy, nhưng ngay từ sáng sớm, khi tàu SE2 về đến ga, chúng tôi đã phải ra ga để nhận bàn giao từ tổ tàu trước. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Bất cứ bộ phận nào trục trặc, cần chỉnh bị, phải báo ngay cho bộ phận sửa chữa để kịp chạy tàu”, anh Ngỏ chia sẻ và kể: Chiều tổ tàu lên ban, tiếp tục phải kiểm tra lại xem bộ phận chỉnh bị đã thực hiện sửa chữa an toàn chưa, có gì cần bổ cứu không. Đến tối ra tàu nhận sổ sách, ấn chỉ và lại cùng nhân viên kiểm tu kiểm tra một lần nữa bộ phận chạy ở gầm xe. Kiểm tra vài lần như thế nhưng khi tàu chạy dọc đường, đến các ga theo quy định lại có thợ khám xe ra khám gầm xe, xem có gì trục trặc, bất thường không.
Khi tàu chạy trên đường, Phó tàu phụ trách an toàn như anh Ngỏ luôn phải ngồi đúng vị trí quy định, theo dõi tín hiệu an toàn của nhân viên các bộ phận như: Gác ghi đầu vào, trực ban ga dọc đường, gác ghi đầu ra, tuần đường, tuần hầm, tuần cầu, gác chắn, nhất là xem chắn có đóng hay không, gác chắn có thực hiện làm tín hiệu an toàn hay không. Đồng thời, quan sát tốc độ đoàn tàu qua đồng hồ đo tốc độ xem có đúng quy định không, nếu vượt quá sẽ gọi điện nhắc lái tàu. Trên hành trình tàu khách Thống Nhất, có 3 phó tàu an toàn thay nhau chia theo cung chặng.
Lái tàu như đi trên… vỉa hè
Để mỗi chuyến tàu an toàn, áp lực và căng thẳng nhất vẫn luôn là lái tàu. “Tàu chạy trên đường sắt bây giờ như chạy trên… vỉa hè, vì lối đi tự mở qua đường sắt nhan nhản. Lái tàu khó lường trước rủi ro bất ngờ sẽ xảy ra phía trước. Chúng tôi chỉ biết căng mắt, căng tai quan sát, thực hiện đúng quy trình tác nghiệp để có thể phòng tránh tai nạn”, anh Đỗ Văn Tuy, Kiện tướng an toàn chạy tàu lần 3 (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) tâm sự.
Tôi vẫn không sao quen được cảm giác tủi thân mỗi lần xách vali đi tàu đúng mấy ngày Tết dù đã mấy năm liền ăn Tết trên tàu. Tôi nhớ cô con gái nhỏ mới 5 tuổi gọi điện “trách” mẹ vào dịp Tết năm ngoái: Sao mẹ không về với con? Sao Tết người ta nghỉ mà mẹ lại đi làm?” mà thương, không giấu được nước mắt. Nhưng bù lại, chúng tôi cũng có niềm vui riêng khi chứng kiến những người khách Tây, khách ta cùng đón Giao thừa ấm cúng trên tàu, đưa họ vào Nam ra Bắc an toàn.
Chị Ngụy Thị Hà
Nhân viên toa xe tàu SE1/2 (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội)
Anh Tuy cũng cho biết, để giám sát lái tàu có tập trung, thực hiện đầy đủ quy trình không, ngoài camera, thiết bị chống ngủ gật trong cabin, trên hành trình còn có các đoàn kiểm tra đột xuất, từ đội trưởng lái máy, cán bộ trạm đầu máy, cán bộ xí nghiệp lên máy kiểm tra.
Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 9 Lê Văn Chung (Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn) chia sẻ, ngày thường áp lực một thì ngày Tết áp lực mười vì tàu tăng chuyến, phải chờ dừng tránh vượt nhiều, trong khi đoàn tàu dài hơn. Hơn nữa, tàu quay vòng nhanh nên có khi đầu máy vừa về đến xưởng, mấy tiếng sau lại lên đường, anh em lái máy phải cùng thợ trực tiếp khám máy để kịp nghiệm thu, cho máy ra đường kéo tàu. Nhưng sợ nhất vẫn là ngày Tết, lượng phương tiện qua lại giao cắt đường bộ - đường sắt đông hơn, nguy cơ tai nạn rất cao.
“Với nghề lái tàu, mỗi chuyến tàu về đích an toàn, không xảy ra tai nạn, sự cố, không niềm vui nào sánh được”, anh Chung nói và kể vẫn nhớ như in lần dừng tàu kịp thời, tránh được tai nạn dịp Tết năm 2012. Đó là một ngày giáp Tết, khi tàu đến đường Phạm Văn Đồng (Q. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Từ xa, anh nhìn thấy 2 người phụ nữ đứng trong lòng đường sắt, mải chọn mua cây mai để trưng Tết mà không nghe thấy tiếng còi tàu. Anh lập tức vừa kéo còi vừa kéo hãm, may sao tàu gần tới nơi cũng là lúc hai người phụ nữ nhảy vội ra khỏi đường sắt.
Một lần khác, đúng đêm Giao thừa, khi tàu đang chạy trong khu Rừng Lá, anh Chung phát hiện từ xa có mấy thanh niên cầm đuốc chạy qua chạy lại trên đường sắt nên vội kéo hãm. Tàu tới nơi dừng lại, mấy thanh niên quậy phá mới chịu ra khỏi đường sắt.
“Đi tàu Tết cũng buồn, nhất là thời khắc Giao thừa. Mọi nhà đón Tết mà trên cabin chỉ có hai anh em tài xế. Nhưng cứu được mạng người như vậy thì vui vô cùng”, anh Chung kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận