Thị trường

Để thu hút vốn đầu tư ngành điện, phải có cơ chế điều chỉnh giá

08/04/2022, 18:44

Vốn bình quân đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 là 14,16 tỷ USD/năm. Giá điện được đánh giá là trọng tâm nhất trong thu hút vốn đầu tư.

Cần 141 tỷ USD vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030

Phát biểu tại Hội thảo “khơi thông nguồn vốn đầu tư vào ngành điện” tại Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) một lần nữa nhấn mạnh vai trò của việc thu hút đầu tư vào ngành điện trước thực tế, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 được tính toán luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

img

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương)

Điều này khiến cho việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền Bắc vào các tháng 5-7, là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Nguyên nhân được ông Tuấn Anh cho biết là do khoảng 10 dự án nguồn điện lớn ngoài EVN chậm tiến độ, nên hụt công suất khoảng 7.000 MW, dẫn đến ảnh hưởng cung ứng điện.

Trong khi đó, nguồn điện năng lượng tái tạo – NLTT (điện mặt trời, điện gió) được bổ sung đáng kể song hoạt động truyền tải còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm vẫn chưa được giải quyết.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, theo tính toán của Bộ Công thương trong quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện đến năm 2030 còn tăng cao. Với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 ngưỡng trên 9%, và giai đoạn 2026-2030 trên 8%.

Như vậy, tiếp tục gây áp lực lên việc xây dựng lưới điện và cung ứng điện. “Bởi chúng ta phải có phương án quy hoạch điện nhằm cung ứng điện an toàn, tin cậy, nhưng chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam và cũng phải đảm bảo cam kết về đảm bảo môi trường theo cam kết Net Zero”, ông Tuấn Anh cho hay.

Để khắc phục, theo ông Tuấn Anh, trước mắt cần đẩy mạnh đầu tư lưới điện...Và hướng đến phát triển nguồn và phụ tải một cách cân bằng, hạn chế tối đa truyền tải liên miền và xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền tới năm 2030.

Xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối các nguồn điện, nhằm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.

Để thực hiện được, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Tương đương vốn bình quân đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷUSD/năm (trong đó phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm).

Vai trò của giá điện là trọng tâm trong việc thu hút vốn đầu tư

“Vậy, làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào ngành điện?” là vấn đề được các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp đã bàn luận sôi nổi tại Hội nghị.

img

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc cho rằng, cái chính yếu nhất để thu hút đầu tư không còn cách nào khác là phải có cơ chế điều chỉnh giá điện.

Lý do được PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh là: Đối với các nhà đầu tư tư nhân hay nhà nước, thì chắc chắn rằng để thu hút đầu tư, phải tính đến khía cạnh lợi ích. “Không có chuyện vốn nhà nước bỏ ra mà không tính lợi ích. Còn với nhà đầu tư tư nhân thì cái họ quan tâm là lợi nhuận bao nhiêu.

Doanh thu được tính bằng “sản lượng điện được bán nhân với giá bán”. Giá bán lại là giá áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, vai trò của giá điện là trọng tâm nhất trong việc thu hút vốn đầu tư. Còn khó khăn vướng mắc ở nhà máy này, nhà máy kia chỉ là vấn đề kỹ thuật”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói và cho rằng, Chính phủ và Bộ Công thương cần tính toán cơ chế điều chỉnh giá kịp thời và phù hợp.

Dẫn chứng về cơ chế biểu giá bán lẻ điện theo Quyết định 28 từ năm 2014 chưa điều chỉnh; Tương tự là quy định về giờ cao - thấp điểm duy trì từ năm 2011; Cùng với việc giá bán lẻ điện bình quân 3 năm duy trì cùng một mức kể từ năm 2019, PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định, không còn hiệu quả thu hút đầu tư vào ngành điện trong thời điểm giá đầu vào luôn biến động tăng, nhưng lại giữ nguyên giá “đầu ra” nhiều năm. Sẽ rất khó để đảm bảo an ninh năng lượng điện!.

Mặt khác, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cũng bày tỏ, nếu lợi nhuận EVN “bằng 0” từ năm sau, liệu rằng những năm tiếp theo có tiếp tục duy trì mức “bằng 0” được nữa hay không. Điều này tạo áp lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đầu tư nguồn điện...

Là một trong những nhà đầu tư tư nhân hàng đầu về đầu tư NLTT, ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, họ cũng gặp những khó khăn nhất định khi huy động vốn.

img

Ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group

Theo ông Lê Như Phước An, nguồn vốn trong nước chi phí cao, quy mô thắt chặt, giới hạn. Do đó, phải tìm đến nguồn vốn nước ngoài.

Ngược lại, để nhà đầu tư chấp nhận “rót” vốn thì thị trường phải đủ hấp dẫn, ít rủi ro, sinh lời cao.

Thực trạng, thị trường điện Việt Nam đã đủ hấp dẫn, những yếu tố về tính “ít rủi ro và sinh lời cao” đang khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi đầu tư.

“Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng chính sách rõ ràng và có thể dự báo được, thì họ mới quản lý được dòng vốn của mình khi đầu tư vào”, theo ông An.

Do đó, lãnh đạo Trung Nam Group cho rằng, chúng ta phải tháo gỡ được những điểm nghẽn còn tồn tại.

Thời gian vừa qua chính sách về phát triển điện lực chưa được ổn định, bao gồm: Quy định giữa các Luật, quy hoạch, chính sách giá.

Tiếp đến là cơ chế giá. Theo dự thảo mới nhất thì có những điểm bất lợi cho nhà đầu tư. Ở chỗ, giá điện tính bằng VNĐ, trong khi nguồn vốn tính bằng USD. Điều này tạo điểm vênh, khó cân đối.

Chưa kể, theo quy định mới, thời hạn của các hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng từ nay đến hết năm 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định mới. “Nhà đầu tư nhận định rủi ro đẩy về phía họ. Là yếu tố khó thu hút các nguồn vốn”.

Điểm nghẽn ở hợp đồng mua bán điện (PPA) cũng là những bất lợi thu hút vốn được đại diện Trung Nam Group nhắc đến.

Theo ông An, hiện EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng hoặc dừng phát điện của nhà máy trong một thời điểm – thời gian bất kỳ. Đây là e ngại lớn nhất của giới đầu tư.

“Quan điểm của giới tài chính quốc tế, thì PPA Việt Nam nên được tham chiếu bằng góc nhìn so sánh và vận dụng của các thị trường tương tự để đạt được các điều kiện về biện pháp quản lý và phân bổ rủi ro cho cả bên bán và bên mua”, ông An nói và nhấn mạnh: Rủi ro cao thì lãi suất vay cao (chi phí vốn cao), sẽ tạo hiệu quả đầu tư thấp, hoặc khi đàm phán giá điện bị tăng lên.

Một điểm nữa, theo ông An liên quan đến cơ cấu nợ. Ngân hàng nhà nước quy định không được vay vốn nước ngoài trả nợ trong nước. Như vậy, sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư khi ban đầu dự án phải vay vốn trong nước lãi cao, nhưng lại không thể huy động vốn từ nước ngoài giá rẻ hơn.

Còn về thu hút vốn vào đầu tư lưới điện, lãnh đạo Trung Nam Group bày tỏ, sẽ rất khó!. Bởi họ chưa thấy được hiệu quả khi đến nay vẫn chưa có cơ chế giá, hay mức thu phí truyền tải là bao nhiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.