Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình một số nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Hai phương án mua bán điện
Phó thủ tướng yêu cầu "nghiên cứu, căn cứ cơ sở thực tiễn của nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện theo đặc thù của từng vùng miền để có chính sách khuyến khích, huy động điện mặt trời đối với từng khu vực, vùng miền phù hợp…".
Với yêu cầu này, Bộ Công thương tiếp thu và đề xuất 2 phương án chính sách cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
Phương án 1: Nếu không dùng hết, được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên).
Công suất lắp đặt thực tế không vượt quá công suất được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký phát triển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên).
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Phương án 2: Nếu không dùng hết, được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Công suất lắp đặt thực tế không vượt quá công suất được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký phát triển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
EVN thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không vượt quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại được áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do Bộ Công Thương quyết định sau khi có báo cáo của EVN.
Với phương án 1, theo Bộ Công thương, đúng với chỉ đạo của Chính phủ. Ưu điểm là khuyến khích lắp đặt điện mặt trời tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Tuy nhiên, lại tạo sự phân biệt giữa các vùng miền.
Còn phương án 2, bộ này cho rằng, phù hợp trong thời điểm hiện nay. Thời gian tới, khi các điều kiện về pháp lý, kỹ thuật cho phép, quy mô phát triển điện mặt trời tại khu vực phía Bắc được xem xét, bổ sung theo đúng trình tự, quy định tại Luật Quy hoạch.
Dự án lắp đặt trên 1 MW phải có giấy phép hoạt động điện lực
Tại báo cáo này, Bộ Công thương cũng giải trình yêu cầu "quy định trách nhiệm của nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt 1 MW hoặc dưới 1 MW", để kiểm soát an toàn hệ thống điện.
Bộ Công thương cho biết, dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối hoặc có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định.
Tuy nhiên, nếu có công suất lắp đặt trên 1 MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì phải có giấy phép hoạt động điện lực.
Liên quan đến những dự án đã phát triển trước khi có nghị định này, Bộ Công thương đề xuất, tổ chức, cá nhân nếu phát triển sau ngày 31/12/2020 không đấu nối với hệ thống điện quốc gia và các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ đã lắp đặt và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, theo quy định sẽ phải gửi thông tin liên quan đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phát triển để ghi nhận về quy mô, địa điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận