Rõ quy định, tăng an toàn cho phương tiện
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo mới nhất Quy chuẩn sửa đổi QCVN 09:2015 về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, ban soạn thảo đã bổ sung quy định nếu được trang bị thêm, đèn ban ngày và đèn sương mù phía trước phải được lắp thành cặp, phù hợp với quy định của quốc tế.
Mặt khác, Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện có một số hãng ô tô lắp đèn chiếu sáng phía trước với độ sáng đạt giá trị tối thiểu của quy chuẩn nhưng chưa thực sự phủ sáng khi phương tiện lưu thông trên những điều kiện đường sá, thời tiết bất lợi ở một số khu vực vùng trung du miền Bắc hoặc miền núi cao nguyên, dẫn đến phải độ thêm đèn từ bên ngoài và gây mất an toàn cho phương tiện.
Do đó, việc lắp các loại đèn này nhằm phù hợp với thực tiễn, nâng cao tính an toàn cho và tăng thẩm mỹ cho xe.
Đồng thời, dự thảo Quy chuẩn cũng bổ sung vị trí lắp đặt của các đèn sương mù phía trước và đèn ban ngày. Đối với đèn sương mù nếu được trang bị sẽ yêu cầu lắp đặt theo quy định của Ủy ban Kinh tế châu Âu (UNECE) vì thực tế xe theo thì trường Mỹ không lắp đặt riêng lẻ và có thể kết hợp với đèn ban ngày theo Tiêu chuẩn thử nghiệm USA MVSS108.
Ngoài ra, dự thảo Quy chuẩn còn bổ sung quy định về kết cấu đèn, phải đáp ứng yêu cầu chỉ có duy nhất 1 cơ cấu chỉnh độ lệch kết hợp cho cả đèn chiếu xa và đèn chiếu gần, có các cơ cấu chỉnh độ lệch cho đèn chiếu xa và đèn chiếu gần độc lập.
Đối với các đèn ban ngày, đèn báo rẽ trước/sau, đèn tín hiệu báo nguy hiểm trước/sau, đèn phanh, đèn lùi trong điều kiện ngày phải đảm bảo nhận biết được tín hiệu ở khoảng cách 20 m.
Đối với đèn vị trí trước, đèn vị trí sau (hậu), đèn soi biển số trong điều kiện ban ngày phải bảo đảm nhận biết được tín hiệu ở khoảng cách 10 m.
Để tăng thêm tính an toàn cho ô tô, dự thảo Quy chuẩn còn bổ sung quy định về hệ thống điều khiển còi xe hoặc nút bấm còi xe, phải được bố trí vị trí thuận tiện để người lái xe có thể dễ dàng sử dụng trong mọi điều kiện và không ảnh hưởng tới quá trình điều khiển xe.
Đồng thời, còn bổ sung quy định về chiều cao bên trong của thùng xe để hạn chế một số loại phương tiện có chiều cao không đảm bảo an toàn.
Ban soạn thảo cho biết, theo thực tế có nhiều xe với tải trọng không lớn nhưng chiều cao rất cao gây mất an toàn. Quy định này còn giúp loại bỏ một số phương tiện lợi dụng dùng sai mục đích thùng (ví dụ như xe chở khấu kiện điện tử nhưng lại là thùng kín và chở loại hàng hoá khác gây quá tải và mất an toàn).
Bỏ quy định khoảng sáng gầm xe ô tô
Tại dự thảo Quy chuẩn mới nhất cũng đã bỏ quy định về khoảng sáng gầm xe, chỉ để quy định khoảng sáng gầm xe cho các xe có tính năng địa hình.
Đồng thời, bổ sung quy định khái niệm xe có tính năng địa hình là xe được thiết kế để có kết cấu di chuyển trên đường, phố và có khả năng di chuyển an toàn trên các địa hình phức tạp như: vượt qua gồ đất cao, địa hình có góc dốc lớn, đường bùn lầy, cát, lội qua vũng sâu hoặc đầm lầy.
Dự thảo còn bổ sung quy định về vị trí của khoảng trống được bố trí trên xe để lắp đặt biển số và đèn soi biển số phía sau, đảm bảo cho biển số được lắp đặt chính xác, cố định, chắc chắn, nhìn rõ toàn bộ biển số dễ dàng.
Đối với quy định về khoang lái, dự thảo Quy chuẩn bổ sung các yêu cầu cho xe điện như PEV, HEV, PHEV, FCEV.
Theo đó, đối với các loại xe điện như PEV, HEV, PHEV, FCEV, trên đồng hồ, hoặc màn hình hiển thị phải chỉ báo và báo hiệu tình trạng hoạt động của các đèn báo rẽ, đèn pha, hệ thống phanh, chế độ làm việc của động cơ và thêm các hệ thống khác.
Đơn cử, phải có chỉ báo về tình trạng lưu trữ năng lượng điện, năng lượng khác của hệ thống trên xe, phải có cảnh báo khi điện trở cách điện vượt quá mức an toàn; mức năng lượng thấp (không bắt buộc đối với xe HEV) và tình trạng kết nối sạc với nguồn điện bên ngoài; tình trạng nạp nhiên liệu Hydro khi cắm vào xe.
Theo ban soạn thảo, các chỉ báo và cảnh báo năng lượng, tình trạng sạc hết sức quan trọng trong đảm bảo an toàn cho phương tiện khi đang hoạt động trên đường hoặc đang sạc nhiên liệu.
Dự thảo Quy chuẩn cũng bổ sung yêu cầu đối với hệ thống nhiên liệu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) dành cho phương tiện sử dụng khí LNG làm nhiên liệu. Theo đó, tất cả các bộ phận của hệ thống LNG phải được định vị đúng và kẹp chặt chắc chắn; không rò rỉ LNG; đường ống và van phải được bảo vệ hoặc lắp đặt để tránh nguy cơ bị chèn ép hoặc bị hư hỏng trong quá trình dịch chuyển.
Các đường ống hoặc ống mềm có LNG tích tụ phải được lắp bộ phận giãn nở nhiệt để ngăn ngừa hiện tượng áp suất tăng cao.
Các đoạn ống chùng phải được bắt giữ chắc chắn trên thân xe bằng các cơ cấu cơ khí để tránh va chạm vào các chi tiết bắt nối và hệ thống chịu áp lực khi xe đang vận hành.
Ngoài ra, để ngăn chặn rò rỉ LNG dễ gây cháy, van khóa đầu tiên phải là thiết bị an toàn đóng tức thời có thể đóng tự động trong trường hợp có sự di chuyển không dự tính trước của phương tiện hoặc bắt lửa trong quá trình nạp/xuất. Van cũng có khả năng đóng bằng thiết bị điều khiển từ xa. Tất cả các ống thông hơi bao gồm các thiết bị giảm áp và van xả phải được nối với một ống thông hơi, và cho phép xả an toàn. Tủ điều khiển sẽ được thông hơi để khí dễ cháy không thể tích tụ trong đó.
Dự thảo Quy chuẩn bổ sung hệ thống thiết bị định vị vị trí, bản đồ, dữ liệu vị trí được trang bị trên xe phải không vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận