Đây là một trong 12 cơ chế chính sách đặc thù được TP.HCM (cơ quan đầu mối của 5 tỉnh, thành thực hiện dự án Vành đai 4 TP.HCM) đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Theo đơn vị đầu mối, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Kiến trúc, cầu đô thị từ cấp II trở lên phải thi tuyển kiến trúc, với trình tự thi tuyển 6 bước quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 85/2020/NĐ-CP. Việc thi tuyển rộng rãi kéo dài thời gian thực hiện và có thể phải tổ chức lại nếu không đạt yêu cầu, mất 6-12 tháng hoặc hơn, đồng thời điều chỉnh phương án trúng tuyển rất phức tạp. Do đó, cần tính toán yếu tố công năng, thẩm mỹ, hiệu quả kinh tế, xã hội và tiến độ dự án.
Để đảm bảo phù hợp với tính chất các yếu tố về công năng cũng như thẩm mỹ phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội cũng như tiến độ của dự án. Do đó, kiến nghị Quốc hội cho phép các cầu trong đô thị thuộc dự án đường Vành đai 4 TP.HCM từ cấp II trở lên, nút giao thông không thuộc đối tượng phải thi tuyển phương án kiến trúc.
Một đề xuất chính sách khác rất quan trọng là tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án trong tổng mức đầu tư của dự án tổng thể và trên tổng mức đầu tư của các dự án thành phần trên địa phận của từng địa phương không vượt quá 70%.
Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư, chủ yếu nhằm hỗ trợ, tạo "vốn mồi" để tăng hiệu quả tài chính (khoản 2 Điều 69). Tuy nhiên, với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, xây dựng cầu và xử lý đất yếu cao, trong khi lưu lượng giao thông ban đầu thấp, tỷ lệ này khó đảm bảo hiệu quả và hấp dẫn nhà đầu tư.
Để thu hút nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, kiến nghị Quốc hội cho phép tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên tối đa 70% tổng mức đầu tư toàn dự án và từng địa phương. Đồng thời, giao UBND tỉnh làm cơ quan thẩm quyền, sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác cho các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP.HCM.
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Vành đai 4. Cụ thể, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng Ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thành phần đường Vành đai 4.
UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư công trình nằm trên địa giới hành chính của địa phương giáp ranh, được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương.
Trong thời gian thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Đề xuất giao Chủ tịch UBND các tỉnh thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tăng cường phân cấp, phân quyền giảm trình tự, thủ tục đầu tư và tương tự các dự án đã được triển khai thời gian qua.
Cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 TP.HCM của từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-*2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.
Cho phép UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các Đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt .
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, kiến nghị Quốc hội cho phép với định mức, đơn giá chưa có quy định, chủ đầu tư áp dụng định mức, đơn giá hoặc xác định chi phí theo suất đầu tư của các dự án tương tự, bao gồm cả công trình nước ngoài sau khi quy đổi về thời điểm tính toán.
Đối với các khoản mục chi phí chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, chủ đầu tư được xác định các khoản mục chi phí theo các dự án, công trình tương tự bao gồm cả dự án, công trình trong nước và nước ngoài hoặc theo thông lệ quốc tế.
Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài 159,31km. Trong đó, dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, qua Đồng Nai 46,08km, TP.HCM dài khoảng 16,7km, qua Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 3,8km).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774,28 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT. Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn vay khoảng 53.109 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), còn lại là vốn ngân sách.
Vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận