Đường bộ

Gần 41.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 4 TP.HCM?

25/11/2024, 12:07

Chi phí giải phóng mặt bằng cho Vành đai 4 TP.HCM được đề xuất khoảng 41.000 tỷ đồng với 5.862 hộ dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Có 5.862 hộ bị ảnh hưởng

Trong dự án này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 báo cáo các cấp thẩm quyền phương án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đảm bảo tính khả thi.

Gần 41.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 4 TP.HCM?- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4 TP.HCM khi hoàn thiện.

Theo cơ quan đầu mối, từ kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông cho thấy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án.

Với các dự án đầu tư ở các đô thị đặc biệt như TP.HCM và khu vực có biến động giá cả lớn cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về phương án GPMB để đảm bảo hiệu quả về kinh tế, thuận lợi trong giai đoạn đầu tư mở rộng giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch các tỉnh, TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM được đề xuất GPMB theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Cụ thể, phần tuyến sẽ GPMB một lần theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh; phần nút giao, các nút giao liên thông và các chỗ ra, vào đường bộ cao tốc thuộc dự án được GPMB với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Gần 41.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 4 TP.HCM?- Ảnh 2.

Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 TP.HCM.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.415,49ha, trong đó, TP.HCM (huyện Củ Chi) khoảng 173,64ha; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 146,8ha; tỉnh Đồng Nai khoảng 482,68ha; tỉnh Long An khoảng 579,51ha, TP.HCM (huyện Nhà Bè) khoảng 32,86ha).

Có khoảng 5.862 hộ bị ảnh hưởng, trong đó, TP.HCM (huyện Củ Chi, Nhà Bè) có 1.280 hộ ; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 595 hộ; tỉnh Đồng Nai 1.697 hộ; tỉnh Long An 2.290 hộ.

Sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 40.994,42 tỷ đồng. Bao gồm TP.HCM (đoạn qua huyện Củ Chi) khoảng 6.691,36 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 3.924,03 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai khoảng 9.321,45 tỷ đồng, tỉnh Long An khoảng 19.529,61 tỷ đồng, TP.HCM (đoạn qua huyện Nhà Bè) khoảng 1.527,97 tỷ đồng.

Xây dựng 8 làn xe, đường song hành

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh rộng 74,5m với 8 làn cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên tuyến.

Ở giai đoạn 1, tuyến chính cao tốc rộng 25,5m. Đường gom, đường song hành đoạn ít dân cư bố trí theo quy mô đường giao thông nông thôn loại A hoặc đường giao thông nông thôn loại B.

Đối với đoạn đông dân cư đầu tư với quy mô tối thiểu hai làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 4054-05, tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 13592:2022 và các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

Gần 41.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Vành đai 4 TP.HCM?- Ảnh 3.

Ở giai đoạn phân kỳ, tuyến chính đường Vành đai 4 25,5m.

Nền đường đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, được xử lý nền đất yếu; bố trí các công trình phòng hộ (tường chắn, gia cố mái ta luy...) để đảm bảo an toàn khai thác, hạn chế chiếm dụng với các đoạn nền đường đắp cao, đảm bảo ổn định nền đường.

Mặt đường cấp cao A1, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc và đường song hành.

Đối với nút giao liên thông, giai đoạn 1 xây dựng 19 nút và một số chỗ ra, vào đường bộ cao tốc đảm bảo kết nối thuận lợi, khai thác an toàn, phát huy hiệu quả dự án. Giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng 23 nút giao liên thông.

Đối với các tuyến đường ngang sẽ tổ chức giao thông khác mức bằng giải pháp xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt trực thông.

Về cầu trên tuyến chính cao tốc, trong giai đoạn 1, các cầu vượt qua sông lớn (kết cấu nhịp lớn, nhịp liên tục đúc hẫng cân bằng) và các vị trí cầu lớn (nhịp giản đơn) có nhu cầu kết nối dân sinh hai bên được xây dựng cầu gồm 2 đơn nguyên để tổ chức giao thông với mỗi bên gồm 2 làn cao tốc và 2 làn cho giao thông đô thị.

Đối với các cầu vượt qua kênh, mương, sông nhỏ và cầu cạn (cầu có kết cấu giản đơn): xây dựng cầu có kết cấu giản đơn gồm 2 đơn nguyên.

Cầu Thủ Biên (nối Bình Dương với Đồng Nai) được đầu tư với quy mô đảm bảo 4 làn xe cao tốc, sử dụng cầu hiện hữu để tổ chức giao thông đô thị (đường song hành).

Trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCMTrình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.