Đường bộ

Đề xuất bố trí vốn hoàn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả

05/09/2022, 15:55

Bộ GTVT đề xuất không sử dụng trạm BOT La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả…

Không còn chuyện đầu tư một nơi, thu phí một nơi

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

img

Việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đánh giá sẽ gây ra bất cập do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi” - Ảnh minh họa

Theo Bộ GTVT, trong tổng số hơn 70 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.

Đến nay, còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí (trạm thu phí La Sơn - Túy Loan; trạm thu phí Bỉm Sơn; trạm thu phí QL3; trạm thu phí trên QL91) và 4 dự án BOT giảm doanh thu lớn, sụt phá vỡ phương án tài chính (Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610; Dự án xây dựng công trình cầu Thái Hà; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C).

Theo tính toán, trường hợp không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, tuyến La Sơn - Túy Loan sẽ thu phí để nộp ngân sách nhà nước, cần bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng vốn nhà nước để hỗ trợ cho dự án, thời gian thu phí khoảng 28 năm 10 tháng.

Riêng đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả), Bộ GTVT cho biết, tuyến đường bộ cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan được đầu tư theo hình thức BT, quy mô đầu tư phân kỳ 2 làn xe, hướng tuyến song song với Quốc lộ 1 đoạn qua đèo Hải Vân.

Sau khi đầu tư bổ sung hạng mục hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân vào dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, để bảo đảm hiệu quả tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

“Triển khai Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan (đầu tư bằng ngân sách nhà nước) để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ bất cập do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi”, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông”, Bộ GTVT thông tin, đồng thời cho biết, để giải quyết bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan, từ năm 2018 Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý.

Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.

“Đối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT đề xuất.

img

Theo tính toán, trường hợp bổ sung vốn nhà nước để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, vốn nhà nước tham gia dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ không vượt quá mức quy định của Luật PPP - Ảnh minh họa

Bổ sung vốn phù hợp với quy định

Theo Bộ GTVT, hiện nay, vốn tham gia của nhà nước trong dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) là 5.048 tỷ đồng/19.530 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,8% tổng vốn đầu tư.

"Trường hợp bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, tổng vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 7.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 37,5% tổng vốn đầu tư, không vượt mức tối đa 50% tổng mức đầu tư như quy định tại Luật PPP", Bộ GTVT đánh giá, đồng thời, kiến nghị xem xét, cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán chi phí hợp lý cho Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án.

Nguồn vốn nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua kiến nghị sử dụng để hoàn trả phần vốn đã ứng trước (từ ngân hàng cung cấp tín dụng) để thanh toán chi phí xây dựng các công trình hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân (tương tự việc giải ngân vốn nhà nước thanh toán phần vốn ứng trước thực hiện công tác GPMB, tái định cư đã thực hiện tại các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thanh toán phần ứng vốn xây dựng công trình hạng mục hầm Cổ Mã thuộc dự án).

Theo quyết định phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả có tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư) nghiên cứu điều chỉnh quy mô, giải pháp thiết kế một số hạng mục nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tổng mức đầu tư dự án sau đó được điều chỉnh từ 15.603 tỷ đồng xuống còn 11.377 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất của Nhà đầu tư, ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung hạng mục xây dựng hầm Cù Mông (kết nối giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên trên QL1) và hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng) vào dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Sau khi bổ sung các hạng mục xây dựng hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân, tổng mức đầu tư của dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) khoảng 26.154 tỷ đồng.

Để bảo đảm hiệu quả tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép thu phí tại các trạm Ninh An, Bàn Thạch, Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Phước Tượng - Phú Gia để hoàn vốn cho dự án.

Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, an toàn và thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh duyên hải miền Trung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.