Cục Đường thủy nội địa VN đang đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép tàu VR-SI được hoạt động tuyến cửa sông - cảng biển: cửa Tiểu - cảng Cái Mép Thị Vải và Văn Úc - cảng Lạch Huyện.
Theo cơ quan này, tại các cảng biển lớn như TP.HCM, TP. Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 60% hàng hóa thông qua cảng được đóng trong container.
Mặc dù vậy, tỷ lệ đảm nhận của vận tải thủy đối với hàng container tại các cảng biển còn khá hạn chế, đặc biệt ở cảng biển Hải Phòng chỉ chiếm khoảng 2%, cảng biển TP.HCM khoảng 11%, riêng cảng biển Cái Mép đạt trên 70%.
Để tăng tỷ lệ này, cần kết nối vận tải thủy giữa cảng biển - cảng sông. Tuy nhiên, hiện chỉ tàu VR-SB được chạy ven bờ. Tàu sông mang cấp VR-SI không được đi từ cửa sông đến cảng biển hoặc ngược lại.
Cho rằng có thể cho tàu sông mang cấp VR-SI hoạt động tuyến cửa sông - cảng biển như cửa sông Văn Úc - cảng Lạch Huyện, cửa Tiểu - cảng Cái Mép, Cục Đường thuỷ VN cho hay: Việc cho phép phương tiện VR-SI hoạt động trên các tuyến này sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Về chi phí, giảm khoảng 4-5 giờ chạy tàu, tăng khả năng khai thác của tàu thêm một lớp container, từ đó giảm 10-20% chi phí logistics trên tuyến, trong khi nhà nước không phải đầu tư ngân sách cho luồng lạch, doanh nghiệp không phải đầu tư để tăng khả năng khai thác cùa tàu.
Về quản lý nhà nước, sẽ giảm chi phí logistics đường thủy, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy, giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường mà không phải đầu tư thêm ngân sách.
Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép tàu VR-SI được hoạt động tuyến cửa sông - cảng biển, cụ thể: trên tuyến cửa Tiểu - cảng Cái Mép Thị Vải và cửa Văn Úc - cảng Lạch Huyện.
Trước đó, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tuyến hành lang vận tải thủy số 2 kết nối cảng biển Hải Phòng với các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Tuy nhiên hoạt động vận tải container bằng đường thủy còn gặp nhiều khó khăn.
Điểm nghẽn lớn nhất là hạn chế về tĩnh không cầu đường bộ, đường sắt trên tuyến do đi qua nội thành Hải Phòng nên vướng các cầu có tĩnh không dưới 5m như cầu Quay, cầu Tam Bạc (3,2m), cầu Xi măng (4,7m), chỉ đáp ứng cho sà lan container chở hai lớp (36 TEUs) hoạt động.
Để tháo gỡ, cần đầu tư kinh phí để nâng cấp tuyến, trong đó nâng tĩnh không cầu. Tuy nhiên, phương án này cần kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp.
Vì vậy, có thể đi tuyến ven biển từ cảng biển Hải Phòng, đi qua cửa sông Văn Úc, vào sông Luộc để tiếp tục đi trên hành lang số 2, vừa tránh được cầu hạn chế tĩnh không khu vực nội thành Hải Phòng vừa hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện tàu VR-SI không được phép hoạt động trên tuyến này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận